Có nhiều cách phân độ suy tim, tuy nhiên phân độ suy tim theo NYHA – Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) hiện đang là cách phân độ được dùng phổ biến nhất. Cùng tìm hiểu phân độ suy tim theo NYHA gồm những mức độ nào bạn nhé!
Bạn đang đọc: Phân độ suy tim theo NYHA gồm những mức độ nào?
Suy tim là bệnh lý về tim cực nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Phân loại cấp độ suy tim là việc cần thiết để các bác sĩ có thể định hướng cách điều trị, đánh giá tiến triển trong điều trị suy tim. Có nhiều cách phân độ suy tim khác nhau, nhưng phổ biến nhất là phân độ suy tim theo NYHA.
Contents
Suy tim – Bệnh về tim vô cùng nguy hiểm
Suy tim là hội chứng rối loạn chức năng tâm thất xảy ra khi cơ tim không còn khả năng hút và bơm máu tốt như bình thường. Hội tim mạch Châu Âu cho biết suy tim thường đi kèm các đặc điểm điển hình như:
- Có các triệu chứng cơ năng như mệt mỏi, khó thở cả khi nghỉ ngơi hay khi gắng sức.
- Có biểu hiện ứ dịch, ứ máu trong phổi như phù ngoại vi hay sung huyết phổi.
- Có bằng chứng về các tổn thương hay suy giảm chức năng tim lúc nghỉ.
Bệnh suy tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây suy tim nhưng đây thường là hậu quả của các bệnh tim mạch như: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh cơ tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh,… Việc chẩn đoán suy tim sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh, các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm tim, điện tâm đồ, chụp cắt lớp CT tim, chụp cộng hưởng từ MRI tim,…
Tầm quan trọng của việc phân loại cấp độ suy tim
Trước khi tìm hiểu về phân độ suy tim theo NYHA, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tầm quan trọng của việc phân loại cấp độ suy tim như thế nào. Việc phân loại cấp độ suy tim vô cùng cần thiết và quan trọng với cả người bệnh và bác sĩ điều trị. Cụ thể là:
- Phân loại cấp độ suy tim giúp bác sĩ có định hướng điều trị phù hợp: Ở mỗi cấp độ khác nhau của bệnh suy tim, người bệnh sẽ có những triệu chứng, đặc điểm và tình trạng tim khác nhau. Khi xác định được người bệnh mắc suy tim ở cấp độ nào, bác sĩ có thể chỉ định hướng điều trị phù hợp nhất. Việc này giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị suy tim.
- Phân độ suy tim cũng giúp bác sĩ dự báo trước các tiến triển của bệnh. Từ đó, bản thân người bệnh và gia đình được tư vấn đề những thách thức trong tương lai khi bệnh diễn tiến nặng hơn. Các bác sĩ có thể chủ động trong cách kiểm soát diễn tiến của bệnh.
- Triệu chứng suy tim thể hiện ở mỗi bệnh nhân có thể không giống nhau. Có triệu chứng được biểu hiện rõ ràng nhưng có triệu chứng còn mờ nhạt. Căn cứ vào phân độ suy tim, bác sĩ sẽ hiểu rõ hơn các triệu chứng điển hình của từng giai đoạn bệnh. Họ cũng có thể nhận biết sớm các thay đổi của người bệnh theo diễn tiến bệnh. Từ đó, bác sĩ đưa ra phương án chăm sóc y tế phù hợp với người bệnh và hạn chế biến chứng nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm: Hành trình 2 tuần lây lan xuyên lục địa của biến thể Covid mới – Omicron
Phân độ suy tim theo NYHA là thế nào?
Để đánh giá độ nặng của bệnh suy tim, người ta có nhiều cách phân độ khác nhau. Nhưng cách phân độ theo mức hạn chế trong sinh hoạt và hoạt động thường ngày của người bệnh hay phân độ suy tim theo NYHA hiện đang được áp dụng phổ biến nhất.
NYHA là chữ viết tắt của tổ chức New York Heart Association Functional Classification – Hiệp hội Tim mạch New York. Bảng phân độ suy tim theo NYHA giúp chúng ta đánh giá mức độ nghiêm trọng và dự đoán tiên lượng tình trạng suy tim một cách khoa học và dễ dàng hơn. Theo NYHA, có 4 cấp độ được sử dụng để phân loại người bị suy tim. Cụ thể là:
Suy tim độ 1
Suy tim độ 1 là cấp độ suy tim nhẹ nhất. Ở cấp độ này, người bệnh có thể thực hiện các hoạt động thể chất như bình thường. Họ không gặp các triệu chứng của suy tim như: Người mệt mỏi, khó thở, luôn trong trạng thái hồi hộp.
Suy tim độ 2
Suy tim độ 2 là suy tim mức độ nhẹ và người bệnh đã có những hạn chế nhất định trong hoạt động thể chất. Khi họ nghỉ ngơi, các triệu chứng suy tim không xuất hiện. Nhưng khi hoạt động thể chất nặng, bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, khó thở, hồi hộp. Suy tim độ 2 chỉ ảnh hưởng đến người bệnh khi họ hoạt động gắng sức.
Suy tim độ 3
Bị suy tim độ 3 theo phân độ suy tim theo NYHA, chỉ cần vận động nhẹ cũng khiến người bệnh bị đau ngực, khó thở, trống ngực. Chỉ khi nghỉ ngơi họ mới thấy khỏe, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhiều. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng, điều trị tích cực hoặc phải nhập viện.
Suy tim độ 4
Ở mức độ này, người bệnh gặp triệu chứng suy tim ngay cả trong trạng thái nghỉ ngơi. Cảm giác mệt mỏi, khó thở, hồi hộp thường trực ngay cả khi họ hoạt động nhẹ. Đây là suy tim giai đoạn cuối hoặc suy tim kháng trị. Lúc này, người bệnh cần nhập viện để điều trị tích cực hoặc chờ ghép tim.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết lồi củ xương hàm trên
Với các phân loại trên đây, suy tim độ 1 và suy tim độ 2 được đánh giá là suy tim nhẹ. Suy tim độ 3 và suy tim độ 4 được đánh giá là suy tim nặng. Suy tim hoàn toàn có thể tiến triển từ độ 1, độ 2 sang độ 3, độ 4 và cũng có thể ngược lại.
Các cách phân độ suy tim khác
Ngoài phân độ suy tim theo NYHA, hiện nay cũng có một số cách phân độ khác như: Phân độ suy tim theo ACC/AHA (Đại học Tim mạch Hoa Kỳ/Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ). Với các phân độ này, mức độ suy tim được ký hiệu bằng chữ cái A (giai đoạn tiền suy tim – nguy cơ cao phát triển suy tim), B (giai đoạn người bệnh xuất hiện các bệnh lý cấu trúc tim), C (có tổn thương cấu trúc tim kèm triệu chứng cơ năng của suy tim nhưng chưa có triệu chứng suy tim lâm sàng), D (giai đoạn suy tim nặng).
Nếu phân loại theo chức năng của tim ta có suy tim tâm thu, suy tim tâm trương. Phân loại theo thời gian tiến triển của suy tim ta có suy tim mạn và suy tim cấp. Phân loại theo cung lượng tim ta có suy tim cung lượng cao và suy tim cung lượng thấp. Nếu phân loại suy tim theo vị trí buồng tim ta có suy tim trái, suy tim phải, suy tim toàn bộ.
Qua đây, bạn đã biết suy tim có mấy cấp độ và có những cách phân độ suy tim nào rồi chứ? Hiện nay, phân độ suy tim theo NYHA vẫn đang là cách phân độ được áp dụng phổ biến nhất. Qua cách phân độ này, người bệnh cũng có thể dễ dàng theo dõi, đánh giá tình trạng của mình để thông báo cho bác sĩ theo dõi.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể