Bàng quang là bộ phận chứa nước tiểu được dẫn từ thận để đào thải ra ngoài thông qua niệu đạo. Bộ phận này được điều hòa thông qua sự phối hợp nhịp nhàng của hệ thần kinh trung ương và các nhóm cơ khác nhau. Vậy phản xạ bàng quang là gì?
Bạn đang đọc: Phản xạ bàng quang là gì? Bệnh lý bàng quang thần kinh là như thế nào?
Phản xạ bàng quang là hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể giúp nước tiểu được thải ra ở thời điểm phù hợp và có kiểm soát. Tổn thương xảy ra trên vị trí dẫn truyền thần kinh của não và tủy sống với hệ cơ bàng quang có thể gây ra những rối loạn trong hoạt động tiểu tiện. Vậy phản xạ bàng quang là gì và những bất thường nào có thể xảy ra đối với quá trình này? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Contents
Bàng quang là gì?
Cấu tạo của bàng quang
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu chung về đặc điểm và vai trò của bàng quang trước khi đến với những thông tin liên quan đến phản xạ bàng quang.
Bàng quang là cơ quan thuộc vào hệ tiết niệu, đây là một tạng rỗng nằm dưới phúc mạc và sau khớp mu. Bàng quang được giữ cố định bởi các cơ xương chậu ở phần dưới bụng của bạn.
Bàng quang hoạt động thông qua sự điều khiển của những loại cơ sau:
- Lớp cơ trơn của bàng quang nhận sự chi phối của hệ thần kinh phó giao cảm;
- Cơ vòng trong và lỗ niệu đạo trong nhận sự chi phối thần kinh giao cảm để kiểm soát quá trình đi tiểu;
- Cơ vân ở vòng ngoài điều khiển việc tiểu tiện theo ý muốn của bản thân.
Chức năng của bàng quang
Bàng quang chứa nước tiểu đã được thận lọc và bài tiết ra, từ đó nước tiểu sẽ được đào thải ra qua đường niệu đạo theo từng đợt. Lớp cơ trơn ở bàng quang có tính đàn hồi và có thể chứa khoảng 600 đến 800 ml nước tiểu tại một thời điểm nhất định.
Đồng thời, trong quá trình lưu trữ nước tiểu, các cơ vòng sẽ thắt lại để ngăn chặn không cho nước tiểu rò rỉ ra bên ngoài. Hoạt động giãn ra để chứa nước tiểu và sau đó co lại về kích thước ban đầu có thể được bàng quang thực hiện nhiều lần trong ngày.
Bàng quang hoạt động như thế nào?
Chức năng dự trữ và đào thải nước tiểu của bàng quang được kiểm soát bởi cơ chế thần kinh phức tạp bao gồm sự phối hợp của hệ phó giao cảm, các sợi thần kinh giao cảm vùng tủy ngực và một phần của thân não. Các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu về não thông qua hệ trục tủy sống khi bàng quang chứa đầy nước tiểu. Sau đó, não sẽ gửi phản hồi xuống khiến cơ trên thành bàng quang co thắt lại. Niệu đạo có cơ vòng, khi nhóm cơ này co lại được coi như van khóa để nước tiểu không bị rò rỉ trước khi bạn sẵn sàng đi vệ sinh, cơ vòng này mở ra khi bàng quang co bóp, từ đó nước tiểu sẽ được thải ra ngoài.
Hoạt động lưu giữ nước tiểu và đi tiểu cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa bàng quang và hệ thần kinh. Nếu có sự kích thích bất thường hoặc gián đoạn của các dẫn truyền thần kinh đối với phản xạ bàng quang, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiểu tiện.
Bàng quang thần kinh là gì?
Thế nào được gọi là bàng quang thần kinh?
Một trong những vấn đề liên quan đến phản xạ bàng quang bất thường là bệnh lý bàng quang thần kinh. Ở những người mắc bệnh bàng quang thần kinh, các phản xạ bàng quang với dây thần kinh không phối hợp tốt với nhau. Kết quả là bàng quang có thể không đầy hoặc được làm rỗng một cách chính xác.
Bàng quang tăng hoạt (OAB) là tình trạng các cơ co thắt thường xuyên hơn mức bình thường trước khi bàng quang chứa đầy nước tiểu. Đôi khi các cơ vòng không đủ khỏe, dẫn đến hiện tượng nước tiểu bị rò rỉ ra trước khi bạn sẵn sàng đi vệ sinh, đây còn được gọi là tiểu không tự chủ. Ngoài ra, tình trạng rối loạn phản xạ bàng quang này là khi bạn có cảm giác buồn tiểu gấp, nhưng thực chất lượng nước tiểu chứa trong bàng quang là không đáng kể.
Bên cạnh đó, tình trạng bàng quang giảm hoặc không hoạt động khi đã đầy nước tiểu cũng là vấn đề về rối loạn của phản xạ bàng quang, làm cho người bệnh không có cảm nhận muốn đi tiểu. Ngay cả khi bàng quang căng đầy nước tiểu và bệnh nhân cố gắng đi tiểu nhưng các cơ hoạt động đúng cách (cơ vòng vẫn co thắt không cho nước tiểu thải ra).
Nguyên nhân gây ra bàng quang thần kinh?
Phản xạ bàng quang bao gồm những quá trình dẫn truyền thần kinh qua lại giữa não và các cơ để kiểm soát việc làm rỗng bàng quang. Nếu những dây thần kinh này bị tổn thương do bệnh lý hoặc chấn thương, các cơ có thể không thể co lại hoặc giãn ra đúng lúc. Sau đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến sự hoạt động không bình thường của các dây thần kinh dọc đường đi giữa bàng quang và não.
Một số rối loạn liên quan đến não bộ:
- Bệnh Alzheimer;
- Khối u của não hoặc tủy sống;
- Bệnh đa xơ cứng;
- Bệnh Parkinson;
- Chấn thương tủy sống;
- Dị tật bẩm sinh tủy sống (chẳng hạn như tật nứt đốt sống);
- Đột quỵ.
Các bệnh lý hoặc yếu tố khác bao gồm:
- Bệnh tiểu đường gây tổn thương thần kinh;
- Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích;
- Phẫu thuật vùng chậu gây ảnh hưởng đến dây thần kinh;
- Tổn thương dây thần kinh cột sống.
Các triệu chứng của bàng quang thần kinh là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất của bàng quang thần kinh là không thể kiểm soát việc đi tiểu. Các triệu chứng bàng quang thần kinh khác bao gồm:
- Dòng nước tiểu yếu hoặc nhỏ giọt;
- Đi tiểu thường xuyên (đi tiểu tám lần trở lên mỗi ngày);
- Đi tiểu không kiểm soát được hoặc tiểu gấp (cảm giác cần đi tiểu ngay lập tức);
- Đi tiểu có cảm giác đau;
- Rò rỉ nước tiểu.
Tìm hiểu thêm: Tâm thất là gì? Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở tâm thất
Các biến chứng của bàng quang thần kinh là gì?
Vì tình trạng này khiến bạn cảm giác đi tiểu bị rối loạn nên bàng quang của bạn có thể bị đầy quá mức bình thường. Nguy cơ nhiễm trùng niệu tăng lên khi nước tiểu đọng lại trong bàng quang hoặc dồn ngược lại lên thận quá lâu.
Nếu bàng quang quá đầy sẽ gây ra áp lực tích tụ và trào ngược lại trong các ống dẫn đến thận. Điều này làm tăng các nguy cơ tổn thương trên đường tiết niệu như viêm thận, viêm đài bể thận, sỏi tiết niệu.
Ngoài ra, rò rỉ nước tiểu liên tục có thể gây ra các vấn đề ở vùng da xung quanh đó chẳng hạn như viêm loét.
Bàng quang thần kinh có chữa khỏi được không?
Không có cách chữa trị đặc hiệu đối với bệnh lý bàng quang thần kinh. Tuy nhiên, các triệu chứng của bàng quang thần kinh có thể dùng những biện pháp hỗ trợ kiểm soát.
Một số biện pháp áp dụng trong điều trị bàng quang thần kinh bao gồm:
Thuốc
Bác sĩ có thể cân nhắc để chỉ định thuốc hỗ trợ thư giãn bàng quang như oxybutynin, tolterodine hoặc solifenacin. Ngoài ra, tiêm độc tố Botulinum cũng là biện pháp để kiểm soát phản xạ bàng quang liên quan đến cơ chế điều hòa thần kinh.
Đặt ống thông tiểu
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị đặt ống thông tiểu để đảm bảo bàng quang được làm rỗng hoàn toàn. Tuy nhiên, thủ thuật này có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Thay đổi lối sống
Biện pháp này bao gồm những lưu ý đến việc tránh một số loại thực phẩm hoặc đồ uống có thể gây kích ứng bàng quang của bạn như rượu, đồ uống có chứa caffein.
Đồng thời, kiểm soát đường huyết tốt ở người mắc bệnh tiểu đường và cải thiện tình trạng táo bón cũng có thể hữu ích trong việc dự phòng những rối loạn của phản xạ bàng quang.
>>>>>Xem thêm: Lưỡi gà dài là gì? Cách điều trị và những lưu ý sau điều trị
Như vậy, bài viết trên vừa cung cấp thông tin về phản xạ bàng quang và một trong những bệnh lý thường gặp là bàng quang thần kinh. Hy vọng có thể mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể