Là một trong những dạng rụng tóc thường gặp, rụng tóc Telogen có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân, gây ra tình trạng tóc thưa và suy yếu. Rất nhiều người phải chịu ảnh hưởng của chứng rụng tóc này trong suốt cuộc đời và ngày càng trở nên tự ti, mặc cảm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rụng tóc Telogen là gì cũng như cách khắc phục hiệu quả tình trạng này.
Bạn đang đọc: Rụng tóc Telogen là gì? Cách khắc phục tình trạng này
Rụng tóc Telogen là gì? Tình trạng rụng tóc Telogen xuất hiện khi nang tóc đột ngột chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi khiến tóc rụng hàng loạt. Khi bạn bị rụng tóc kiểu này, số lượng tóc rụng trong một ngày có thể vượt qua mức 100 sợi.
Contents
Rụng tóc Telogen là gì?
Rụng tóc Telogen là gì? Rụng tóc Telogen (hay Telogen effluvium – TE) là hiện tượng rụng tóc xuất phát từ sự xáo trộn trong chu kỳ mọc – rụng tóc. Biểu hiện đặc trưng của nó là tình trạng tóc rụng xảy ra khắp da đầu hoặc có thể tập trung ở vùng đỉnh đầu, điều này khiến tóc trở nên mỏng hơn.
Một số yếu tố gây hại tác động đột ngột đến tế bào mầm tóc, làm tăng lên tỷ lệ rụng tóc lên đến 70% trong vòng 2 tháng. Điều này gây nên tình trạng Telogen effluvium cấp tính thường kéo dài khoảng 6 tháng. Trong khi đó, Telogen effluvium mãn tính thường diễn ra lâu hơn (trên 6 tháng), tóc rụng nhiều ở giai đoạn đầu nhưng không dẫn đến tình trạng hói hoàn toàn.
Tóc trải qua ba giai đoạn phát triển chính với các đặc điểm đặc trưng như sau:
- Giai đoạn mọc tóc – Anagen: Kéo dài từ 2-6 năm. Các tế bào mầm nằm trong nang tóc di chuyển xuống nhú bì, tăng sinh và biệt hóa thành một sợi tóc hoàn chỉnh, sau đó mọc ra khỏi da đầu.
- Giai đoạn ngưng mọc – Catagen: Sợi tóc teo nhỏ lại và tách khỏi nhú bì, kéo dài khoảng 3 tuần.
- Giai đoạn nghỉ, chờ rụng và rụng tóc – Telogen: Kéo dài 3 tháng. Sợi tóc đã tách khỏi nhú bì và được đẩy ra khỏi da đầu.
Rụng tóc Telogen thường gặp ở nữ giới và xuất hiện khi có vấn đề ở giai đoạn nghỉ, chờ rụng và rụng tóc. Từ đó dẫn đến tình trạng tóc rụng tăng bất thường với các dấu hiệu nhận biết bao gồm: Xuất hiện lớp tóc mỏng trên đầu, cảm giác đau nhẹ hoặc dị cảm trên da đầu hay xuất hiện đường rãnh trên móng chân hoặc móng tay.
Các dạng phát triển của chứng rụng tóc Telogen
Tình trạng rụng tóc Telogen (TE) thường phát triển theo các dạng sau đây:
Dạng TE thứ nhất
Sự chấn thương từ môi trường có thể gây sốc cho các nang tóc đang phát triển tới mức chúng quyết định chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian. Điều này khiến tóc rụng nhiều hơn và dẫn đến các vùng tóc mỏng lan tỏa trên da đầu. Dạng rụng tóc Telogen này thường phát triển nhanh chóng và biểu hiện rõ rệt sau 1-2 tháng kể từ thời điểm các nang tóc bị ảnh hưởng. Nếu kích thích này tồn tại trong thời gian ngắn, các nang tóc sẽ trở lại trạng thái phát triển bình thường và sớm bắt đầu tạo ra các sợi tóc mới. Dạng TE này thường kéo dài dưới 6 tháng và mật độ tóc trên da đầu sẽ phục hồi trong vòng một năm.
Dạng TE thứ hai
Chứng rụng tóc Telogen này có xu hướng phát triển chậm hơn nhưng lại kéo dài lâu hơn. Tóc không bị rụng đột ngột và cũng không chuyển sang trạng thái nghỉ Telogen. Thay vào đó, như bình thường các nang tóc có thể chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi, nhưng chúng không trở lại trạng thái mọc tóc Anagen mới sau 1-2 tháng mà ở lại lâu dài trong thời kỳ Telogen.
Điều này dẫn đến sự tích tụ ngày càng nhiều của các nang tóc ở trạng thái Telogen và giảm số lượng các nang tóc Anagen đang phát triển. Mức độ rụng tóc ở dạng TE này không quá nghiêm trọng, nhưng chúng sẽ làm cho tóc bạn mỏng dần đi theo thời gian. Chứng rụng tóc Telogen này thường xảy ra khi phản ứng với các yếu tố kích hoạt kéo dài dai dẳng.
Dạng TE thứ ba
Ở dạng rụng tóc Telogen này, các nang tóc không ở trạng thái nghỉ ngơi mà chuyển sang luôn chu kỳ phát triển bị cắt ngắn. Khi đó, da đầu của bạn sẽ trở nên mỏng và liên tục rụng các sợi tóc ngắn.
Tìm hiểu thêm: Uống nước ép cần tây hạ huyết áp có phải không?
Nguyên nhân gây rụng tóc Telogen là gì?
Sau khi tìm hiểu rụng tóc Telogen là gì, chắc hẳn bạn đọc cũng rất muốn biết vì sao lại xuất hiện tình trạng này. Dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc Telogen bạn cần chú ý để phòng ngừa từ sớm:
- Sốt cao, sốt kéo dài do một số loại virus.
- Stress nghiêm trọng, áp lực, căng thẳng kéo dài.
- Thay đổi nồng độ nội tiết tố, rối loạn hormone từ tuyến giáp.
- Thiếu hụt dinh dưỡng, protein, kẽm, vitamin B6, B12 và đặc biệt là sắt.
- Rối loạn chức năng nội tạng như: Suy gan, suy thận.
- Sử dụng các loại thuốc như: Thuốc tránh thai, thuốc hạ lipid máu, thuốc kháng giáp, thuốc chống co giật…
- Tác động, ảnh hưởng của hóa chất, nhiệt độ cao lên tóc.
- Tiếp xúc với các chất độc hại, nhất là kim loại nặng công nghiệp.
- Mắc các bệnh tự miễn như: Viêm tuyến giáp Hashimoto, lupus ban đỏ hệ thống.
- Chấn thương do tai nạn.
- Các bệnh về da đầu.
Rụng tóc Telogen có khả năng chữa khỏi hoàn toàn được không?
Bên cạnh thắc mắc rụng tóc Telogen là gì, tình trạng này có chữa khỏi được không cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Rụng tóc Telogen thường tự khỏi hoàn toàn mà không cần bất kỳ liệu pháp điều trị nào. Tóc ban đầu có thể rụng nhiều và da đầu trở nên mỏng dần. Tình trạng này thường đạt đến đỉnh điểm sau vài tháng, sau đó tóc sẽ rụng ít đi và bắt đầu mọc trở lại sau 3-6 tháng. Thời gian để tóc hoàn toàn phục hồi có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng, độ dài ban đầu của tóc.
Tuy nhiên chứng rụng tóc Telogen có thể tái phát nếu nguyên nhân gốc không được điều trị một cách triệt để. Rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng có thể được xác định là rụng tóc Telogen mãn tính và việc giữ cho tình trạng này không tái phát đòi hỏi sự theo dõi và quản lý chặt chẽ từ phía bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc tóc.
Gợi ý cách khắc phục chứng rụng tóc Telogen
Vấn đề quan trọng nhất trong việc điều trị chứng rụng tóc Telogen là xác định nguyên nhân để loại bỏ tận gốc. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo áp dụng các phương pháp hỗ trợ khắc phục sau:
Chế độ ăn uống
Theo các chuyên gia, người mắc chứng rụng tóc Telogen cần bổ sung các thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa vitamin B6 và B12 như: Gan, thịt gà, cá, thịt lợn, đậu, chuối và khoai tây…
- Thực phẩm giàu kẽm bao gồm: Hạt điều, thịt lợn, cua, hàu và phô mai…
- Thực phẩm chứa lysine thông qua các thực phẩm như: Trứng, phô mai, thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò, cá mòi…
- Rau xanh, hoa quả để cung cấp chất xơ và các loại vitamin như: Vitamin C, vitamin E, vitamin H…
Bên cạnh đó, hãy uống đủ nước từ 1,5-2 lít mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho tóc.
Thói quen hàng ngày
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, để hạn chế làm tóc rụng ngày càng nhiều bạn cũng nên chăm sóc tóc tại nhà và lưu ý một số thói quen như:
- Tránh căng thẳng, thức khuya và làm việc nhiều về đêm.
- Tránh chải tóc khi còn ướt.
- Để dưỡng tóc có thể dùng thêm dầu xả tóc hoặc dầu ủ nhưng cần lưu ý không nên dùng trực tiếp kem xả tóc, dầu ủ lên da đầu mà chỉ sử dụng cho vùng đuôi tóc.
- Tránh sấy tóc, uốn hoặc duỗi tóc cho đến khi tình trạng cải thiện.
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm vi khuẩn nhuộm soi là gì – Bạn đã biết chưa?
Sử dụng thuốc
Để giúp tóc mọc trở lại, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như: Minoxidil 5% bôi ngoài da mỗi ngày 1 lần. Loại thuốc mọc tóc này giúp tóc phát triển tích cực hơn bằng cách kéo dài giai đoạn tăng trưởng của nang tóc. Tuy nhiên, cần lưu ý tới tác dụng phụ có thể gặp phải gồm: Khô da, đỏ da tróc vảy nhẹ, ngứa… Khi gặp các tác dụng phụ kể trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.
Những thông tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp thắc mắc rụng tóc Telogen là gì và cách khắc phục hiệu quả tình trạng này. Chứng bệnh này có thể tự khỏi nhưng bạn cũng nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và có biện pháp ngăn ngừa hiện tượng tóc rụng trong tương lai. Trước khi sử dụng các loại thuốc điều trị, kích thích tóc mọc nhanh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn bạn nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể