Ở trẻ nhỏ, sự tăng trưởng về thể chất được theo dõi, đánh giá thông qua biểu đồ tăng trưởng và các chỉ số sinh học. Còn để nhận định sự phát triển tâm thần vận động phải cần đến test tâm lý. Trên thế giới hiện nay có nhiều bài test được sử dụng để đánh giá phát triển tâm vận động của trẻ dưới 6 tuổi như: Test Brunet -Lezine, Binet-Simon, Bayley, Denver… Trong đó, test Denver là một trắc nghiệm giúp đánh giá mức độ phát triển tâm lý – vận động của trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi.
Bạn đang đọc: Test Denver là gì? Quy trình thực hiện và lưu ý
Phương pháp test Denver có thể giúp phát hiện sớm các rối loạn gây trở ngại cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi. Từ đó, các chuyên gia có thể đề ra những biện pháp can thiệp sớm để trẻ có thể phát triển tốt hơn về sau.
Contents
Test Denver là gì?
Test Denver là phương pháp đánh giá phát triển tâm thần vận động được xây dựng vào năm 1967 tại trung tâm y học Denver Colorado (Mỹ) và đến năm 1992 được chỉnh sửa thành Denver II. Đến nay, phương pháp trắc nghiệm này được tiêu chuẩn hóa trên 20 quốc gia và đã được áp dụng cho hơn 50 triệu trẻ em trên toàn thế giới để sàng lọc trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
Với công cụ đơn giản, dễ thực hiện, trắc nghiệm Denver bao gồm 125 mục và được xếp theo 4 khu vực như sau:
- Khu vực vận động tinh tế thích ứng: Đánh giá sự phối hợp tay mắt, khả năng thao tác với vật nhỏ, vận động khéo léo của đôi tay và làm chủ nhóm cơ nhỏ.
- Khu vực cá nhân xã hội: Sự tương tác của trẻ với người khác và khả năng nhận biết bản thân, thực hiện nhu cầu cá nhân của trẻ.
- Khu vực ngôn ngữ: Đánh giá khả năng lắng nghe, đáp ứng âm thanh, khả năng phát âm, hiểu và sử dụng ngôn ngữ của trẻ.
- Khu vực vận động thô: Khả năng giữ thăng bằng và vận động toàn thân như: Bò, ngồi, đi, chạy… làm chủ và phối hợp các nhóm cơ lớn của trẻ.
Tỷ lệ phần trăm trẻ thực hiện được theo độ tuổi hiển thị theo các mức: 25%, 50%, 70%, 90% ở ô trắng và ô xanh.
Test Denver được áp dụng trong trường hợp nào?
Test Denver được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Trẻ dưới 6 tuổi có nghi ngờ về chậm phát triển tâm thần và vận động.
- Trẻ có bệnh thực thể cần được theo dõi sự phát triển tâm thần vận động.
- Trẻ nhỏ có vấn đề về tiền sử thai nghén và sản khoa.
Bên cạnh đó, phương pháp trắc nghiệm Denver chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Trẻ mệt mỏi, có bệnh thực thể nặng hoặc đang sử dụng thuốc tâm thần.
- Trẻ không có ba mẹ, người chăm sóc đi cùng.
- Trẻ bị tăng động giảm chú ý, trẻ hung tính, có biểu hiện chống đối.
Quy trình test Denver tiến hành như thế nào?
Test Denver được thực hiện bởi cán bộ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng chuyên khoa cùng các phương tiện kỹ thuật sau:
- Phòng làm trắc nghiệm cần đảm bảo yên tĩnh, đủ ánh sáng, bàn ghế hoặc chỗ nằm, ngồi phù hợp với độ tuổi của từng bé.
- Sách hướng dẫn làm test, tờ phiếu Denver II, bút 3 màu mực đỏ, xanh, tím, bút chì, thước kẻ và bộ dụng cụ để làm test.
Kiểm tra hồ sơ
Bác sĩ kiểm tra hồ sơ bệnh án của trẻ theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Kiểm tra người bệnh
Trước khi tiến hành thực hiện test, trắc nghiệm viên cần:
- Giải thích cho người chăm sóc trẻ mục đích thực hiện test Denver và đề nghị hợp tác.
- Quan sát để biết trẻ có tỉnh táo và đủ sức khỏe để tham gia làm test hay không.
- Sử dụng kỹ năng giao tiếp tốt, tạo môi trường thân thiện để không gây sợ hãi cho trẻ.
Thực hiện Test
Bác sĩ bắt đầu bằng việc vẽ đường tuổi trên tờ phiếu: Lấy ngày làm test trừ đi ngày sinh, tuổi tính theo số tháng và ngày, với trẻ dưới 2 tuổi trừ đi tuần đẻ non. Bác sĩ tiến hành vẽ đường tuổi sau khi xác định vị trí tuổi trên đường phân chia khoảng tuổi. Sau đó, bác sĩ tiến hành làm các mục và ghi ký hiệu.
Kiểm tra ba mục tiêu liên tiếp nằm hoàn toàn bên trái đường tuổi, nếu xuất hiện ít nhất một mục trẻ không làm được tiếp tục lùi về trái, đến khi ba mục liên tiếp thực hiện được thì dừng lại.
Tiến hành kiểm tra tất cả những mục mà đường tuổi đi qua, làm tiếp những mục bên phải đường tuổi và chỉ dừng lại khi có ba mục liên tiếp làm được. Bác sĩ có thể hỏi người chăm sóc trẻ một vài mục trên phiếu được ký hiệu chữ R nhỏ và không cần kiểm tra.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân và cách phòng ngừa chứng bí tiểu ở nam giới
Ký hiệu chữ ứng nội dung như sau: Chữ Đ màu xanh nghĩa là trẻ làm hoặc ba mẹ đã trông thấy bé làm được. Chữ K màu đỏ khi trẻ không làm được hay ba mẹ trả lời trẻ không làm được. Chữ T màu tím nếu trẻ từ chối thực hiện hoặc ba mẹ trả lời không rõ.
Bước tiếp theo, bác sĩ tiến hành đánh giá từng mục như sau:
- Mục tiến bộ: Đ nằm hoàn toàn bên phải đường tuổi cho thấy trẻ làm được trong khi 90% trẻ cùng tuổi không làm được.
- Mục bình thường: K hoặc T của các mục nằm phía phải đường tuổi. K hoặc T của những mục mà đường tuổi đi qua phần trắng 25-75%.
- Mục nghi ngờ: K hoặc T của mục mà đường tuổi cắt qua phần xanh (vì có từ 75-90% trẻ bằng tuổi hoặc nhỏ hơn làm được mà trẻ không làm được).
- Mục chậm phát triển: K hoặc T của các mục nằm bên trái đường tuổi (khi có hơn 90% trẻ cùng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn làm được).
- Đánh giá toàn bộ test.
Theo dõi sau khi thực hiện test Denver
Khi thực hiện test Denver bác sĩ, trắc nghiệm viên cần theo dõi một số vấn đề như sau:
- Nên dành lời khen, động viên trẻ sau mỗi mục trẻ hợp tác thực hiện.
- Bác sĩ nên dừng lại, hẹn lần khác gần nhất có thể nếu thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, từ chối.
- Nếu trẻ bị chậm phát triển, bác sĩ cần tư vấn và hướng dẫn ba mẹ cách kích thích trẻ phát triển tốt hơn.
- Trường hợp mục đánh giá hành vi có vấn đề có thể làm thêm các test sàng lọc tự kỷ hay rối loạn hành vi cảm xúc.
>>>>>Xem thêm: Bị u nang buồng trứng có quan hệ được không?
Lưu ý khi cho trẻ làm test Denver
- Tất cả các nội dung và phương pháp trắc nghiệm Denver được thiết kế dựa trên hoạt động vui chơi và quan hệ thông thường, phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
- Trắc nghiệm không sử dụng các phương tiện kỹ thuật đặc biệt, giúp trẻ không cảm thấy xa lạ hoặc sợ hãi trong quá trình thực hiện.
- Trẻ hiếu động, kém chú ý, sợ người lạ hoặc có khuyết tật về giác quan có thể gặp khó khăn khi làm trắc nghiệm. Lúc này, sự tích cực và hợp tác của phụ huynh là quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khi tiếp xúc với trắc nghiệm viên.
- Trắc nghiệm viên cần thiết lập mối quan hệ thân thiện và tôn trọng với trẻ, tránh tạo áp lực bắt trẻ làm theo yêu cầu.
- Sự có mặt của phụ huynh giúp trẻ cảm thấy an tâm và tăng sự tập trung của trẻ trong quá trình làm trắc nghiệm. Phụ huynh nên hợp tác với trắc nghiệm viên để giúp trẻ vượt qua sự e ngại và khuyến khích trẻ tham gia vào quá trình làm trắc nghiệm.
- Trắc nghiệm viên có thể đặt thêm các câu hỏi cho phụ huynh về hành vi hàng ngày của trẻ để có cái nhìn đầy đủ hơn về khả năng của trẻ.
- Không nên tiến hành trắc nghiệm trong điều kiện trẻ đang có bệnh, sợ hãi, quá mệt mỏi, quá lăng xăng hoặc kém tập trung, chú ý.
- Trẻ nhỏ có thể ngồi vào lòng phụ huynh để cảm thấy an tâm hơn, trong khi trẻ lớn hơn có thể ngồi trên ghế riêng.
- Trong trường hợp có dấu hiệu chậm phát triển, phụ huynh sẽ được hướng dẫn đưa trẻ đi kiểm tra tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có chẩn đoán và hướng dẫn điều trị, giáo dục và tập luyện phù hợp.
Test Denver được áp dụng rộng rãi trên thế giới và được coi là công cụ đầu tay để đánh giá sự phát triển tâm thần và vận động ở trẻ em. Việc đúc kết các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy trắc nghiệm Denver là một một trong những phương pháp hữu ích giúp phát hiện các rối loạn và kịp thời điều chỉnh, điều trị cho các bé.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể