Xét nghiệm định lượng phospho là xét nghiệm thường được khuyến cáo cho các bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến xương, thận,… Vậy phospho có vai trò gì trong cơ thể, xét nghiệm định lượng phospho có vai trò gì, được thực hiện như thế nào sẽ được giải thích trong bài viết này.
Bạn đang đọc: Xét nghiệm định lượng Phospho cho biết điều gì?
Đa số mọi người vẫn nghĩ canxi là nguyên tố cấu tạo nên xương, nhưng thực ra, phospho có rất nhiều vai trò trong cơ thể, nó cũng đóng góp phần trong hình thành cấu trúc xương. Việc thiếu hay dư phospho đều gây những hậu quả khôn lường. Xét nghiệm định lượng phospho là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán bạn có thiếu phospho hay không. Hãy cùng tìm hiểu thông tin này qua bài với dưới đây.
Contents
Phospho có vai trò gì trong cơ thể người?
Phospho là khoáng chất phổ biến thứ hai trong cơ thể sau canxi, được phân phối trong hầu hết các tế bào của cơ thể dưới dạng kết hợp với oxy (phosphate). Sau đây là một trong số chức năng vô cùng quan trọng của phospho trong cơ thể:
- Kết hợp với canxi hình thành xương và răng: Mọi người đều biết canxi là chất tạo nên xương nhưng hầu hết đều bỏ qua vai trò của phospho. Phospho và canxi cùng nhau tạo nên độ cứng của xương và răng. Cho nên, nó đóng một nửa vai trò trong cấu trúc xương.
- Kết hợp với vitamin B: Phospho có tác dụng củng cố màng tế bào, bảo vệ tế bào và hỗ trợ các chất dinh dưỡng, hormone và hợp chất khác nhau thực hiện chức năng của chúng. Ví dụ, phospho kết hợp với vitamin B sẽ giúp phát huy tối đa tác dụng của vitamin B, hỗ trợ chức năng thận, co cơ và truyền tín hiệu thần kinh.
- Kết hợp với chất béo: Phospholipid là sản phẩm của sự kết hợp phospho với chất béo. Hợp chất này đóng vai trò cấu trúc và trao đổi chất trong màng tế bào của con người và làm trung gian cho cấu trúc của các mô khác nhau trong cơ thể.
- Tham gia quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng: Phospho trong cơ thể con người có thể chuyển hóa protein, carbohydrate, chất béo thành năng lượng và cung cấp cho mọi tế bào trong cơ thể.
- Thành phần của DNA và RNA: Phospho là thành phần của DNA và RNA – chất truyền thông tin di truyền và kiểm soát quá trình trao đổi chất bình thường của tế bào cơ thể.
- Điều hòa cân bằng axit – bazơ trong cơ thể: Phospho tồn tại trong máu dưới dạng axit phosphate và phosphate kiềm, điều hòa sự cân bằng axit – bazơ trong cơ thể bằng cách bài tiết các chất axit bazơ thích hợp và duy trì áp suất thẩm thấu bình thường.
Điều gì xảy ra khi rối loạn phospho trong cơ thể
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu, nhu cầu phospho hàng ngày của người trưởng thành khỏe mạnh (trên 18 tuổi), phụ nữ mang thai và cho con bú là 550 mg/ngày. Đối với người lao động nặng, trẻ em có thể nhiều hơn một chút so với người trưởng thành.
Trong quá trình phát triển, cơ thể con người cần phải liên tục tạo ra các tế bào, phospho là một trong những thành phần quan trọng của màng tế bào, nếu thiếu phospho thì sự phát triển sẽ bị chậm lại. Khi thanh thiếu niên hoặc trẻ sơ sinh hấp thụ không đủ phospho sẽ xuất hiện các triệu chứng như dễ bị mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau cơ, chán ăn,… Thiếu phospho trong thời gian dài sẽ xuất hiện các triệu chứng trên và gây ra bệnh còi xương ở trẻ, loãng xương ở người lớn, thậm chí rối loạn thần kinh và cơ bắp, dẫn đến hôn mê và tử vong. Nhưng trên thực tế, hầu hết mọi người đều cho rằng đó là do thiếu canxi và không bao giờ xem xét việc hấp thụ phospho có hợp lý hay không.
Hầu hết bệnh nhân tăng phospho máu đều không có triệu chứng, tuy nhiên việc bổ sung quá nhiều phospho có thể kết hợp với canxi trong đường tiêu hóa, ảnh hưởng việc hấp thu canxi. Nếu phospho tích tụ khiến nồng độ của nó tăng cao trong máu (lớn hơn 1.46 mmol/L) có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng như phì đại tuyến cận giáp thứ phát, xơ hóa mô, vôi hóa mạch máu ở những người mắc bệnh thận mạn tiến triển, dẫn đến chức năng thận bị suy giảm và các biến đổi bệnh lý,… Cho nên, việc kiểm soát nồng độ phospho trong cơ thể rất quan trọng.
Tìm hiểu thêm: Cân nặng bé 6 tháng tiêu chuẩn mà ba mẹ nên biết
Xét nghiệm định lượng Phospho là gì?
Xét nghiệm định lượng phospho là xét nghiệm cho biết nồng độ phospho trong máu. Xét nghiệm này được khuyến cáo kèm theo các xét nghiệm khác như canxi, vitamin D, PTH để theo dõi hay chẩn đoán cho các đối tượng:
- Bệnh xương;
- Bệnh thận mãn tính, sỏi thận và bệnh nhân chạy thận;
- Sau phẫu thuật tuyến giáp;
- Bệnh tuyến cận giáp: Cường cận giáp hoặc suy tuyến cận giáp;
- Ngộ độc ethanol mãn tính;
- Thiếu vitamin D;
- Nhược cơ.
Giá trị tham chiếu bình thường của phospho trong huyết thanh là 0.81 – 1.36 mmol/L. Nồng độ này có thể thay đổi ở từng độ tuổi và có sự khác nhau một chút ở các cơ sở y tế.
Xét nghiệm định lượng Phospho, cần lưu ý gì?
Xét nghiệm định lượng phospho được định lượng từ mẫu máu, bạn sẽ thực hiện lấy máu ở tay theo hướng dẫn của điều dưỡng. Trước khi lấy máu, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Có một số loại thuốc bạn đang dùng sẽ được bác sĩ yêu cầu ngưng trước khi lấy máu để không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, giàu protein và không nên uống rượu bia vào trước ngày lấy máu. Nồng độ cồn trong máu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm.
- Nên nhịn ăn ít nhất 8 – 12 giờ trước khi lấy máu.
- Giữ tâm trạng ổn định trước khi lấy máu để tránh co thắt mạch máu do sợ hãi và tăng độ khó cho việc lấy máu.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân dẫn đến chảy máu trong tai? Chảy máu trong tai có nguy hiểm không?
Phospho đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động sinh lý khác nhau của cơ thể con người. Nếu nồng độ phospho trong máu bị rối loạn sẽ gây ra các bệnh lý nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Cho nên, xét nghiệm định lượng phospho là phương pháp giúp bạn có thể kiểm tra được nồng độ phospho trong cơ thể có ở mức bình thường không. Từ đó có thể theo dõi và chẩn đoán bệnh liên quan đến phospho hay hỗ trợ đánh giá các bệnh lý khác.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể