Bị cúm nên uống nước gì để bệnh mau khỏi và hồi phục sức khỏe? Việc lựa chọn đúng thực phẩm sẽ giúp bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vậy đó là những loại thức uống nào, hãy khám phá trong nội dung bên dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Bị cúm nên uống nước gì để bệnh mau khỏi?
Cúm là bệnh lý khá phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả người già và trẻ em. Khi bị cảm cúm, cơ thể người bệnh sẽ trở nên mệt mỏi và ăn uống ít hơn bình thường vì không có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cố gắng ăn uống để giúp bổ sung năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể nhanh chóng hồi phục. Vậy bị cảm cúm nên uống nước gì để bệnh mau khỏi? Hãy cùng Kenshin tìm hiểu những loại thức uống có lợi cho sức khỏe trong bài viết dưới đây nhé!
Contents
Một số biểu hiện triệu chứng khi bị cúm
Bệnh cúm là tình trạng xảy ra khi đường hô hấp bị viêm nhiễm với các biểu hiện điển hình như sốt, đau đầu, đau họng, ho và đau cơ, ít khi gây ra kích ứng dạ dày hoặc nôn. Khi tiếp xúc lâu với người mắc cúm sẽ làm nguy cơ lây nhiễm cúm tăng lên. Virus cúm thường sẽ tấn công vào hệ hô hấp của của thể, từ hầu họng, mũi, khí phế quản và phổi. Một số triệu chứng điển hình của bệnh cúm có thể kể đến như:
- Sốt;
- Đau đầu;
- Đau họng, ho khan;
- Rét run;
- Đau cơ hoặc đau nhức toàn thân;
- Cơ thể mệt mỏi.
Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng thông thường thì sẽ rất khó để phân biệt giữa cúm và cảm lạnh bởi cả hai bệnh lý này đều có triệu chứng tương tự nhau. Nhưng nhìn chung, cúm thường có thời gian khởi phát ngắn hơn, triệu chứng nặng hơn và thường đi kèm với sốt và đau cơ. Còn cảm lạnh thường phát triển từ từ và triệu chứng tập trung chủ yếu ở mũi, họng và xoang.
Cảm cúm có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em và người già vì có sức đề kháng yếu. Trong hầu hết các trường hợp, người mắc bệnh cúm có thể tự phục hồi trong vòng 5 đến 7 ngày. Điều quan trọng là người bệnh cần phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và uống thật nhiều nước.
Bị cúm nên uống nước gì để bệnh mau khỏi?
Để cải thiện các triệu chứng khó chịu của cảm cúm, người bệnh cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Khi bị cúm, cơ thể sẽ dễ bị mất nước hơn so với bình thường vì đổ mồ hôi nhiều và ít ăn uống. Điều này có thể khiến cơ thể bị suy giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Dưới đây là tổng hợp các loại nước mà bạn nên uống khi bị cảm cúm để nhanh chóng khỏi bệnh như:
Nước lọc
Khi bị cúm, cơ thể người bệnh sẽ bị mất nước nhanh chóng do sốt, đổ mồ hôi, ớn lạnh và kén ăn. Điều này sẽ khiến cơ thể bị rơi vào trạng thái thiếu năng lượng, bị háo nước, khó chịu và mệt mỏi. Lúc này, cần phải bổ sung lượng nước nhiều hơn bình thường để đáp ứng lại sự thiếu hụt nước và năng lượng trong cơ thể.
Nước lọc sẽ là lựa chọn lý tưởng nhất trong trường hợp này. Việc uống đủ nước lọc mỗi ngày giúp cơ thể tái tạo năng lượng, hồi phục nhanh chóng, duy trì độ ẩm cho đường hô hấp và làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi. Đặc biệt, hơi nước từ nước ấm cũng có thể giúp giảm nghẹt mũi và làm ẩm niêm mạc mũi, làm cho người bệnh cảm thấy dễ thở hơn. Ngoài ra, nếu có xuất hiện tình trạng nôn và tiêu chảy thì hãy bổ sung thêm các loại nước điện giải cho cơ thể, chẳng hạn như oresol.
Nước ép hoa quả
Nước ép hoa quả, đặc biệt là nước cam hay nước chanh có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa. Việc uống nước ép hoa quả sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch và tăng cường đề kháng để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, bạn không nên uống nước trái cây ướp lạnh vì điều này có thể làm tình trạng viêm họng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, không nên uống quá nhiều nước trái cây trong ngày vì hàm lượng axit và vitamin C có trong loại nước này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Tốt nhất, bạn chỉ nên uống nước ép hoa quả sau khi ăn no khoảng 30 phút – 1 tiếng hoặc pha loãng thành các ly nhỏ.
Nước dừa
Nước dừa rất giàu vitamin và khoáng chất, giúp bổ sung những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, nước dừa có chứa hàm lượng hydrat cao, giúp giữ nước cho cơ thể hiệu quả. Vì vậy, người bệnh có thể bổ sung nước dừa vào chế độ ăn của mình khi bị cảm cúm.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên uống nước dừa quá nhiều. Các chuyên gia y tế đã khuyến nghị rằng, người trưởng thành chỉ nên uống khoảng 250ml nước dừa và nên chia thành 2 lần uống trong ngày. Ngoài ra, nên uống nước dừa nguyên chất và không nên thêm đường hay muối.
Trà thảo mộc không caffeine
Hơi ấm từ các loại trà thảo mộc có thể giúp làm dịu triệu chứng đau họng, nghẹt mũi và giảm tình trạng tức ngực. Một trong những loại trà thảo mộc tốt cho người bị cúm là trà hoa cúc.
Trà hoa cúc ấm không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm dịu triệu chứng cảm cúm mà còn rất có lợi cho giấc ngủ. Theo nghiên cứu trên tạp chí Antioxidants vào năm 2020, flavonoid – một chất chống oxy hóa trong trà hoa cúc có khả năng chống viêm rất tốt, giúp giảm mệt mỏi khi bị cúm.
Tìm hiểu thêm: Bé 2 tuổi cao bao nhiêu là chuẩn? 4 cách cải thiện chiều cao cho trẻ
Để dễ uống hơn, bạn có thể cho thêm mật ong vào trà. Mật ong không chỉ có tác dụng kháng viêm mà còn giúp làm dịu cơn ho, giúp bạn có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Nước ép từ gừng, nghệ, củ cải, cà rốt
Nước ép từ cà rốt, củ cải, gừng hoặc nghệ rất có lợi cho người bị cúm. Trong những nguyên liệu này có chứa các hoạt chất chống viêm, vitamin A, vitamin C, vitamin E, canxi và sắt, giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và làm dịu các triệu chứng như sổ mũi, ho và đau nhức cơ thể.
Gừng là một trong những nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến trong dân gian để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng cảm cúm, nghẹt mũi và nôn mửa. Việc uống trà gừng cũng giúp làm ấm cơ thể và loại bỏ dịch đờm trong cổ họng.
Bị cúm không nên ăn gì để tránh làm các triệu chứng nặng hơn?
Sau khi giải đáp cho câu hỏi bị cúm nên uống nước gì, bạn cũng cần phải tránh một số loại thực phẩm có thể làm các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bị cúm không nên ăn như:
- Rượu, bia: Loại đồ uống này có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và gây mất nước, điều này sẽ làm khả năng chống lại sự tấn công của bệnh cúm trong cơ thể.
- Đồ uống chứa đường và cafein: Cà phê, trà đen và các loại nước ngọt có thể khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn.
- Thực phẩm cứng, đồ chiên, nhiều dầu mỡ: Các loại thực phẩm như bánh quy, khoai tây chiên và thực phẩm khó tiêu cũng có thể làm cơn ho và tình trạng đau họng trầm trọng hơn.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn nhanh thường ít dinh dưỡng, không tốt cho quá trình điều trị bệnh cúm. Do vậy, hãy ăn thực phẩm tươi và giàu chất dinh dưỡng.
- Sản phẩm từ sữa: Có thể làm cho chất nhầy trở nên đặc hơn, gây nghẹt mũi.
- Đường và thực phẩm nhiều đường: Gây ra tình trạng viêm mà cơ thể đang cố gắng để chống lại khi bị cảm cúm.
>>>>>Xem thêm: Nhiễm trùng đường mật: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị và phòng bệnh
Dinh dưỡng và chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể phục hồi khi bị cảm cúm. Do vậy, hãy lựa chọn thực phẩm có lợi và hạn chế thực phẩm có hại sẽ giúp giải cảm hiệu quả, nhanh chóng hơn. Qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đã biết được bị cúm nên uống nước gì. Ngoài chế độ ăn uống, đừng quên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục nhanh nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể