Đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường có nguy hiểm không?

Đột quỵ là tình trạng xảy ra khá đột ngột và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ở những đối tượng hiện diện sẵn bệnh lý nền, nguy cơ đột quỵ có thể cao hơn. Trong đó, đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường là biến chứng khá nguy hiểm.

Bạn đang đọc: Đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường có nguy hiểm không?

Có nhiều yếu tố có thể làm khởi phát đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi hiện diện nhiều bệnh lý nền khác như bệnh tiểu đường. Ở người bệnh tiểu đường, sự nhận biết các biến chứng để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Vậy đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường là như thế nào và có nguy hiểm không? Mời bạn đọc cùng tham khảo trong bài viết sau.

Thế nào là đột quỵ?

Trước khi tìm hiểu đặc điểm của tình trạng đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường, hãy cùng đến với những thông tin chung về đột quỵ.

Não là cơ quan cần được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng liên tục để cơ thể hoạt động tốt. Vì thế, việc cung cấp máu bị ngừng ngay cả trong một thời gian ngắn cũng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn. Đây được coi là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và rất khẩn cấp, cần được xử trí trong thời gian nhanh nhất có thể để cứu sống và giảm thiểu những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Có 2 loại đột quỵ là thiếu máu cục bộ và xuất huyết.

  • Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Đây là loại đột quỵ thường gặp và chiếm khoảng 80% trường hợp xảy ra đột quỵ. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc mảng xơ vữa.
  • Đột quỵ xuất huyết: Tình trạng này xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ, làm máu tràn vào các mô não lân cận.

dot-quy-o-benh-nhan-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 1

Đột quỵ là tình trạng vô cùng nguy hiểm cần được cấp cứu khẩn cấp

Ảnh hưởng của bệnh lý tiểu đường

Bệnh tiểu đường ngày càng trở nên phổ biến và đáng quan ngại hơn, tỷ lệ ước tính được dự đoán sẽ tăng lên 439 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2030. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác nếu mức đường huyết không được kiểm soát hiệu quả trong thời gian dài. Các biến chứng bao gồm bệnh lý võng mạc, bệnh thận, bệnh tim mạch và hệ thống mạch máu.

Theo thống kê cho thấy, tại Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ bảy, và 65% số ca tử vong này là do bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc cả hai.

dot-quy-o-benh-nhan-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 2

Tiểu đường là bệnh lý khá phổ biến hiện nay

Tiểu đường là nguyên nhân gây nên tổn thương và rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu. Khi đó các phân tử chất béo dễ dàng đi qua và thấm vào trong lớp nội mạc, hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch. Bên cạnh đó, lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương cũng gây ra sự co mạch và dẫn đến quá trình kết tập tiểu cầu, hình thành nên huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch. Hậu quả là có thể dẫn đến những cơn đau cấp tính như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

Ở người bệnh tiểu đường, mức đường huyết quá cao cũng có thể làm cho các tình trạng tổn thương hoặc nhiễm trùng trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến các tình trạng như viêm tắc động mạch chi, hoại tử chi.

Vì sao nguy cơ đột quỵ cao hơn ở người bệnh tiểu đường?

Nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường cao hơn so với người không mắc bệnh là vì bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến các mạch máu tại nhiều vị trí khác nhau, trong đó có mạch máu não. Lượng đường dư thừa trong máu thúc đẩy quá trình tích tụ chất béo trong động mạch và hình thành các mảng xơ vữa, tăng khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch. Điều này có thể gây cản trở tuần hoàn máu lên não, tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ. Ngoài ra, những bệnh nhân đột quỵ có mức đường huyết không kiểm soát có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc mức độ biến chứng sau đột quỵ nặng hơn.

Bên cạnh đó, những người bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị huyết áp cao hoặc cholesterol cao (mỡ máu). Việc mắc đồng thời các bệnh lý này cũng làm tăng nguy cơ của bệnh tim mạch và đột quỵ.

Tìm hiểu thêm: Phản xạ Hoffmann là gì? Ý nghĩa của kết quả phản xạ Hoffmann

dot-quy-o-benh-nhan-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 3
Đột quỵ là biến chứng nguy hiểm ở người bệnh tiểu đường lâu năm

Các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ là gì?

Bên cạnh bệnh tiểu đường, nguy cơ xảy đột quỵ có thể ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:

  • Huyết áp cao;
  • Rung tâm nhĩ (AF);
  • Mức cholesterol cao;
  • Các vấn đề về rối loạn đông máu;
  • Bệnh động mạch ngoại biên (PAD);
  • Hẹp động mạch cảnh;
  • Bệnh mạch vành, bệnh van tim và dị tật tim bẩm sinh;
  • Có tiền sử bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA);
  • Béo phì;
  • Ngưng thở khi ngủ;
  • Nguy cơ đột quỵ cũng tăng lên theo tuổi tác, càng lớn tuổi thì càng có nhiều khả năng bị đột quỵ (khả năng bị đột quỵ tăng gấp đôi cứ sau 10 năm kể từ tuổi 55).

Dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân bị tiểu đường

Đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường có thể dự phòng để giảm thiểu nguy cơ thông qua việc thay đổi lối sống và theo dõi thường xuyên các chỉ số sức khỏe.

Thay đổi lối sống bằng những biện pháp sau đây:

  • Lựa chọn các loại thực phẩm chứa tinh bột hấp thu chậm như ngũ cốc nguyên hạt, giúp hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết một cách ổn định hơn;
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn;
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và đồ ăn vặt vì các thực phẩm này chứa chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu. Thay vào đó, hãy lựa chọn nguồn chất béo lành mạnh cho cơ thể từ một số loại cá (cá hồi, cá thu, cá ngừ), các loại dầu thực vật (dầu oliu, dầu hạt cải) và các loại hạt dinh dưỡng;
  • Kết hợp với hoạt động thể chất ở cường độ phù hợp có thể giúp duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

Ngoài việc theo dõi đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, bệnh nhân tiểu đường cũng nên chú ý duy trì mức cholesterol và chỉ số huyết áp ở mức an toàn.

Trường hợp người bệnh tiểu đường cần dùng thuốc điều trị thì cần tuân thủ liều dùng và cách dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với người bệnh tiểu đường có mắc kèm tăng huyết áp hoặc mỡ máu cần dùng phối hợp nhiều loại thuốc điều trị, hãy thận trọng để đảm bảo sử dụng thuốc đúng cách, tránh những tác dụng không mong muốn xảy ra.

Hạn chế những những thói quen không tốt cho sức khỏe như hút thuốc lá hoặc uống nhiều rượu bia.

dot-quy-o-benh-nhan-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 4

>>>>>Xem thêm: Phù phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống là điều cần thiết để dự phòng đột quỵ

Trên đây là các thông tin đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường. Có thể nói tiểu đường là một yếu tố nguy cơ quan trọng cần được lưu ý vì có thể tăng khả năng xảy ra đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Vì vậy, kiểm soát đường huyết thông qua thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ liên quan như huyết áp, chỉ số lipid máu là những bước quan trọng để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *