Ung thư gan là một trong những loại ung thư nguy hiểm và gây tử vong cao trên toàn cầu. Trong quá trình phát triển bệnh, việc ung thư gan nôn ra máu là một trong những triệu chứng đặc trưng của giai đoạn cuối. Do đó, trong trường hợp này, việc quan trọng nhất là thông báo ngay với bác sĩ điều trị để có kiểm tra, xác định nguyên nhân và kiểm soát triệu chứng.
Bạn đang đọc: Bệnh nhân ung thư gan nôn ra máu và biện pháp xử trí
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về tình trạng ung thư gan nôn ra máu, nhấn mạnh vào những nguyên nhân, triệu chứng cũng như những biện pháp phòng tránh để giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách ứng phó hiệu quả.
Contents
Tìm hiểu về ung thư gan
Bệnh ung thư, hay còn được biết đến là bệnh ác tính, là trạng thái mất kiểm soát trong quá trình phân chia và phát triển của các tế bào trong cơ thể. Những tế bào ung thư không tuân theo các quy luật tự nhiên của cơ thể, không chết đi như các tế bào bình thường và không thực hiện chức năng bình thường cho cơ thể. Quá trình hình thành ung thư bắt đầu khi một hoặc nhiều tế bào trải qua sự biến đổi di truyền (đột biến) trong nhân tế bào.
Khi tế bào gan phân chia và phát triển ngoài tầm kiểm soát thì được gọi là ung thư gan. Nếu không được điều trị, khối u ác tính có thể nhanh chóng phát triển và di căn sang các cơ quan khác.
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là loại ung thư gan phổ biến nhất và chiếm khoảng 80% trong tất cả các trường hợp ung thư gan trong khi ung thư đường mật trong gan (ung thư ống mật), Angiosarcoma, Hemangiosarcoma, Hepatoblastoma, ung thư biểu mô đường mật và sarcoma phôi không phân biệt hóa của gan (UESL) là loại ung thư gan ít phổ biến hoặc hiếm gặp hơn nhiều.
Ngoài ra, các triệu chứng ung thư gan có thể không được biểu hiện trên người bệnh cho đến khi ung thư đạt đến giai đoạn tiến triển. Dưới đây là một số triệu chứng có thể nghi ngờ ung thư gan:
- Gan to;
- Đau bụng;
- Sụt cân không chủ ý;
- Sốt, vàng da;
- Buồn nôn và ói mửa.
Những triệu chứng này có thể được nhận thấy ở những người không bị ung thư. Tuy nhiên, để phòng ngừa, nên thăm khám bác sĩ để biết chắc chắn nguyên nhân.
Triệu chứng bệnh nhân ung thư gan nôn ra máu
Các triệu chứng nôn ra máu ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan đều là những dấu hiệu nghiêm trọng, cần được chú ý và can thiệp kịp thời.
Nôn ra máu được mô tả là khi người bệnh nôn mửa kèm theo một lượng máu đáng kể. Máu này thường có màu đỏ tươi, hoặc có thể có màu nâu đậm, đôi khi giống như màu nâu đen của bã cà phê.
Nguyên nhân nôn ra máu ở bệnh nhân ung thư gan
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ung thư gan nôn ra máu:
- Suy giảm chức năng gan: Trong giai đoạn cuối của ung thư gan, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng, không thể sản xuất đủ yếu tố đông máu, khiến bệnh nhân dễ bị xuất huyết.
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Khối u ác tính trong gan tạo áp lực lên các tĩnh mạch, gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tình trạng này làm máu tích tụ trong các mạch máu gần đó, dẫn đến giãn nở hoặc vỡ tĩnh mạch, gây xuất huyết.
- Ung thư di căn: Các tế bào ung thư đã lan rộng sang các cơ quan khác như phổi, thực quản… khiến xuất hiện khối u ác tính ở những cơ quan này, gây ra xuất huyết hoặc ho ra máu.
Sự xuất hiện máu trong dạ dày và ruột khiến chúng bị kích thích, gây hiện tượng trào ngược. Kết quả là dịch nôn thường chứa máu tươi hoặc đỏ thẫm. Tình trạng nôn ra máu ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được xử lý cầm máu kịp thời.
Nên làm gì khi bệnh nhân ung thư gan nôn ra máu?
Khi bệnh nhân ung thư gan nôn ra máu, bước đầu tiên cần làm là thông báo cho bác sĩ về tình trạng của bạn, từ đó bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, theo dõi và xác định nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra liệu pháp kiểm soát hiệu quả.
Trong giai đoạn này, sức khỏe của bạn có thể suy giảm đáng kể, vì vậy việc duy trì bổ sung dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Hãy ăn các loại thực phẩm mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa, hạn chế đồ khô cứng, chứa nhiều dầu mỡ và khó tiêu.
Tăng cường thực phẩm giàu chất bổ máu giúp cải thiện tình trạng máu đã mất. Hãy cố gắng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thông qua việc chia nhỏ khẩu phần ăn để cơ thể hấp thụ tốt nhất có thể.
Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác mà không có sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Hãy tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đã chỉ định để kiểm soát tình trạng của bạn một cách hiệu quả và tránh tình trạng bệnh diễn biến xấu thêm.
Tìm hiểu thêm: Ung thư da giai đoạn đầu có chữa được không?
Một số lưu ý ngăn ngừa ung thư gan
Dưới đây là một số lưu ý được đề xuất để giúp ngăn ngừa ung thư gan. Các yếu tố khác nhau đóng góp vào sự phát triển của căn bệnh này. Mặc dù không có phương pháp ngăn ngừa ung thư gan nào được chứng minh là hoàn hảo, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số lưu ý có thể giảm nguy cơ mắc ung thư gan, bao gồm:
- Phòng ngừa và tiêm phòng viêm gan siêu vi: Một lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa được viêm gan C và tiêm vắc-xin để bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi viêm gan B.
- Quản lý bệnh: Khi gặp phải các vấn đề về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, hay xơ gan, cần tiến hành điều trị và quản lý bệnh tình một cách cẩn thận theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa gan mật.
- Tránh uống rượu và thuốc lá: Kiêng rượu và thuốc lá còn giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào gan.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Phòng ngừa béo phì có thể là một biện pháp bổ sung để chống lại ung thư gan. Bệnh gan nhiễm mỡ và tiểu đường đều là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan và cả hai đều phổ biến hơn ở những người béo phì.
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư: Bảo quản một số loại ngũ cốc, thức ăn đúng cách, tránh nấm mốc, giảm khả năng tiếp xúc với các chất gây ung thư như aflatoxin.
- Tầm soát ung thư gan định kỳ: Việc thực hiện kiểm tra định kỳ ung thư gan là một biện pháp phòng ngừa quan trọng. Phát hiện sớm ung thư gan trong giai đoạn đầu cung cấp cơ hội điều trị tốt hơn, ngăn chặn bệnh diễn biến nghiêm trọng đến giai đoạn cuối, giảm nguy cơ gây tình trạng nôn ra máu.
>>>>>Xem thêm: Mắc bệnh Crohn nên ăn gì để cải thiện tình trạng bệnh?
Như vậy, ung thư gan nôn ra máu là một tình trạng nguy hiểm, gây khó khăn trong điều trị và có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, hành động phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh. Nên thực hiện tầm soát ung thư gan, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và giữ gìn sức khỏe tổng thể có thể giúp ngăn chặn hoặc phát hiện sớm tình trạng ung thư gan, từ đó tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể