Tai là bộ phận quan trọng của cơ thể với cấu trúc tinh vi và phức tạp gồm nhiều phần đảm nhận những chức năng khác nhau. Phần tai mà chúng ta nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ trong cấu trúc tai người. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc giải phẫu tai, chức năng và các vấn đề thường gặp ở tai.
Bạn đang đọc: Cấu trúc giải phẫu tai người, chức năng và các vấn đề thường gặp
Hầu hết chúng ta đều biết tai là một trong những bộ phận quan trọng đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như nghe, điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể. Đôi tai của con người nằm hai bên trên hộp sọ, ngang bằng với mũi. Tuy nhiên, cấu trúc giải phẫu tai lại không hề đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài. Tai hay hệ thống tiền đình ốc tai có cấu trúc vô cùng phức tạp gồm nhiều phần khác nhau, mỗi bộ phận lại có chức năng riêng biệt.
Contents
Cấu trúc giải phẫu tai người gồm những gì?
Về cấu trúc giải phẫu, tai người được chia làm 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong tương ứng với vị trí của chúng. Mỗi bộ phận sẽ đảm nhận nhiệm vụ khác nhau với mục tiêu giúp tai vận hành theo đúng vai trò được cơ thể giao phó.
Tai ngoài
Tai ngoài tính từ vành tai đến màng nhĩ, bao gồm vành tai và ống tai. Đây cũng là bộ phận quan trọng đảm nhận vai trò tiếp nhận, xử lý và truyền âm thanh. Trong đó, vành tai (loa tai) là phần tai chúng ta dễ dàng nhìn thấy khi quan sát bên ngoài. Vành tai nằm ở vị trí hai bên đầu gần vùng thái dương và ngay tại điểm quai hàm gắn vào hộp sọ.
Vành tai được cấu tạo từ sụn, lớp da bọc sụn, cơ và dây chằng. Kích thước vành tai có thể tùy vào cơ địa của mỗi người. Sụn tai tạo thành hình dạng lồi lõm và những đường cong của vành tai, riêng phần dái tai sẽ không có sụn mà chỉ có mô sợi và mô mỡ. Đây cũng chính là nơi để chúng ta xỏ lỗ đeo hoa tai, trang sức. Vành tai có hình vòm cong nhẹ với những đường cong xoắn giúp đón âm thanh từ bên ngoài. Đặc biệt, khu vực vành tai thường không có rất ít mạch máu, bao bọc bởi lớp da và mỡ mỏng.
Tiếp theo là ống tai, đây chính là phần tiếp nối từ vành tai đến màng nhĩ. Ống tai thường có hình dạng như chữ S chiều dài khoảng 2,5cm ở người trưởng thành với giới hạn là màng nhĩ. Trong đó phần đầu cấu tạo từ sụn chứa các sợi lông nhỏ li ti và các tuyến nhờn tạo thành ráy tai. Phần trong cấu tạo từ xương và bao bọc bởi lớp da mỏng, không có lông. Ống tai có cơ chế tự làm sạch nhờ sự dịch chuyển của lông tai khiến cho ráy tai khô và bong tróc, rồi theo cử động của hàm ráy tai bẩn sẽ dần dần được đẩy ra ngoài.
Tai giữa
Theo giải phẫu tai, đây là bộ phận tiếp theo nối với tai ngoài bao gồm màng nhĩ, vòi nhĩ và hòm nhĩ. Trong đó, màng nhĩ là lớp màng mỏng có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi soi vào sâu trong ống tai. Màng nhĩ có hình bầu dục, màu trắng mờ và thường hơi lõm ở giữa, nó cũng đóng vai trò như một dải phân cách giữa tai ngoài và tai giữa.
Tiếp theo là vòi nhĩ hay vòi Eustache với cấu tạo đặc biệt từ xương, sụn đảm nhận nhiệm vụ cân bằng áp suất trong hòm nhĩ với tai ngoài. Trong trạng thái bình thường, vòi nhĩ đóng kín và chỉ mở khi nuốt, ngáp.
Bộ phận cuối cùng trong tai giữa là hòm nhĩ, đây chính là phần nằm sâu bên trong thái dương được cấu tạo từ hệ thống các xương con như xương búa, xương đe, xương bàn đạp. Những xương này đều thực hiện chức quan trọng trong việc dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ vào tai trong. Chính vì thế, hòm nhĩ được coi là nút giao 3 nhánh, 1 nhánh thông với mũi họng, 1 nhánh thông với tai trong, 1 nhánh kết nối với xoang chũm.
Tai trong
Nằm ở cuối là tai trong, bao gồm ốc tai, ống bán khuyên và tiền đình. Theo cấu trúc giải phẫu tai, ốc tai có hình dạng giống xoắn ốc với chiều dài khoảng 2,5 vòng. Bên trong ốc tai chứa dịch được chia làm nội dịch và ngoại dịch với nhiệm vụ kích thích tế bào lông gửi xung điện âm thanh đến não bộ thông qua thần kinh thính giác. Đây chính là quá trình giúp chúng ta cảm nhận được âm thanh.
Tiếp theo là 3 ống bán khuyên nằm ở vị trí trước, sau, bên cạnh thông với tiền đình. Bộ phận này có chức năng hoàn toàn khác biệt so với các phần khác của tai là giữ thăng bằng cho cơ thể, nhận diện sự dịch chuyển của cơ thể. Cuối cùng là tiền đình với cấu tạo khoang bầu dục phình to ở giữa. Tiền đình sẽ kết nối với các ống bán khuyên tạo nên cầu nang và soan nang với vai trò tương tự như ống bán khuyên.
Chức năng và cơ chế hoạt động của tai người
Có thể thấy giải phẫu tai người rất phức tạp nhằm đảm bảo vai trò của quan trọng của tai gồm:
- Khả năng nghe, cảm nhận âm thanh: Chức năng này được thực hiện nhờ sự kết hợp giữa nhiều bộ phận từ tai ngoài, tai giữa và tai trong giúp chúng ta có thể nhận biết được vô số các loại âm thanh khác nhau. Cơ chế này được thực hiện theo các bước từ khi vành tai tiếp nhận âm thanh, âm thanh sẽ đi vào ống tai và đập vào màng nhĩ. Khi đó, màng nhĩ bị tác động của âm thanh sẽ rung lên tạo ra các chuyển động ở xương thính giác trong tai giữa. Chuỗi xương thính giác bị dao động và tác động lên ốc tai trong khiến các chất dịch trong ốc tai chuyển động. Điều này sẽ kích thích tế bào lông chuyển động tạo ra xung điện truyền tới não nhờ dây thần kinh thính giác.
- Giữ thăng bằng cho cơ thể: Tai trong chính là bộ phận đảm nhận nhiệm vụ này, khi cơ thể chuyển động trong không gian, hệ thống tiền đình sẽ tác động lên các dây thần kinh của mắt và não bộ giúp cơ thể cân bằng khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Tìm hiểu thêm: Những thông tin cần biết về bệnh nấm ống tai
Một số bệnh lý thường gặp ở tai
Tai thực hiện nhiều chức năng quan trọng nhưng lại rất dễ bị tổn thương và có thể gặp nhiều bệnh lý do cấu trúc giải phẫu tai quá tinh vi. Trong đó, một số bệnh lý ở tai phổ biến như:
- Viêm ống tai ngoài: Viêm ống tai ngoài thường biểu hiện thông qua các triệu chứng sốt, khó chịu, đỏ tai, ngứa rát, tai chảy dịch,… Nếu không điều trị kịp thời có thể lây lan sang các vùng khác hoặc ảnh hưởng đến thính giác.
- Viêm tai giữa: Đây là tình trạng phổ biến, đặc biệt thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Nguyên nhân viêm tai giữa là do sự tấn công của virus, vi khuẩn với các triệu chứng điển hình như sốt, đau tai, chảy dịch tai, khả năng nghe giảm, sưng hạch bạch huyết, đau họng, buồn nôn,… Viêm tai giữa có nhiều mức độ từ nhẹ đến mạn tính và có thể gây biến chứng thủng màng nhĩ trong trường hợp tai bị xung huyết, ứ dịch kéo dài không được điều trị.
- Viêm tai xương chũm: Thường xuất phát từ tình trạng viêm tai giữa với các triệu chứng như chảy mủ, ù tai, đau tai, nghe kém,… Khi gặp tình trạng này, người bệnh không nên chủ quan vì viêm ở xương chũm có thể gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm như liệt mặt, viêm mê nhĩ, viêm màng não, áp xe đại não,…
>>>>>Xem thêm: Rùng mình là gì? Làm thế nào để hết rùng mình?
Ngoài 3 bệnh phổ biến trên, tai còn có thể gặp nhiều vấn đề khác như viêm sụn vành tai, chàm tai, u dây thần kinh thính giác, rối loạn mạch máu tai, rối loạn thính lực, rò luân nhĩ, thủng màng nhĩ,… Trong đó có một số bệnh lý khá lành tính, nhưng cũng có nhiều bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực và các cơ quan xung quanh. Vì thế, khi thấy tai xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh lý nào đó, bạn hãy đi thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
Trên đây là thông tin chi tiết về cấu trúc giải phẫu tai người và chức năng của từng bộ phận. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc tai, từ đó có giải pháp bảo vệ tai, duy trì khả năng nghe và phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về tai.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể