Nhức đầu có thể phổ biến trong thời kỳ đầu mang thai. Chúng thường cải thiện khi quá trình mang thai của bạn tiếp tục. Đau đầu khi mang thai không gây hại cho em bé, nhưng có thể gây khó chịu cho bạn.
Bạn đang đọc: Đau đầu khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau đầu khi mang thai đôi khi có thể là triệu chứng của tiền sản giật, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị, cũng có thể là một triệu chứng không đáng lo ngại. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân bà bầu bị đau đầu trong bài viết dưới đây.
Contents
Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai
Nhiều người bị đau đầu nhẹ khi mang thai. Nhức đầu thường có thể được kích hoạt bởi sự thay đổi hormone và xảy ra phổ biến trong vài tháng đầu của thai kỳ. Nếu thường xuyên bị chứng đau đầu, bạn có thể nhận thấy sự thay đổi khi mang thai. Rất có thể chứng đau đầu của bạn sẽ cải thiện sau ba tháng đầu tiên. Điều này có thể là do mức estrogen của bạn bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, một số người không nhận thấy sự thay đổi hoặc có thể bị chứng đau nửa đầu nặng hơn khi mang thai. Bạn cũng có thể nhận thấy những thay đổi khác nhau từ lần mang thai này sang lần mang thai tiếp theo.
Nhức đầu có thể phát triển vì nhiều lý do khác nhau, không phải lúc nào cũng do hormone thai kỳ. Bên cạnh sự thay đổi nội tiết tố, có nhiều nguyên nhân gây đau đầu nói chung nhưng có thể xảy ra thường xuyên hơn khi bạn mang thai, chẳng hạn như:
- Thiếu ngủ;
- Ngưng sử dụng caffeine chẳng hạn như trong cà phê, trà hoặc đồ uống nhanh;
- Lượng đường trong máu thấp do không ăn đủ hoặc ốm nghén;
- Mất nước;
- Cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc chán nản.
Nhiều tác nhân trong số này có thể gây đau đầu do căng thẳng, một tình trạng rất phổ biến. Cơn đau thường nhẹ và ở cả hai bên đầu. Nhưng một số tác nhân này cũng có thể gây ra chứng đau đầu, trầm trọng hơn và chủ yếu xảy ra ở một bên đầu của bạn. Nếu bị chứng đau nửa đầu, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa và nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
Bên cạnh đó nếu bạn bắt đầu bị đau đầu thường xuyên sau tuần thứ 20 của thai kỳ, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thai kỳ nghiêm trọng hơn gọi là tiền sản giật. Tiền sản giật xảy ra khi bạn bị huyết áp cao ảnh hưởng đến thận và đôi khi là các bộ phận khác của cơ thể. Nếu bạn bị đau đầu do tiền sản giật, bạn có thể thấy rằng các loại thuốc giảm đau đơn giản như paracetamol không có tác dụng. Điều quan trọng là phải nói với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nếu bạn bị đau đầu trong nửa sau của thai kỳ hoặc nếu cơn đau đầu của bạn rất nghiêm trọng.
Cũng giống như khi bạn không mang thai, đau đầu đôi khi có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe khác, bao gồm:
- Nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng tai hoặc cúm;
- Viêm xoang;
- Gặp các vấn đề về răng;
- Chứng phình động mạch hoặc đột quỵ.
Những phụ nữ thường xuyên bị chứng đau nửa đầu có thể nhận ra rằng họ ít bị chứng đau nửa đầu hơn khi mang thai, tuy nhiên một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng đau nửa đầu tương tự hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu bạn đang mang thai, hãy hỏi bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn có thể đang dùng để điều trị chứng đau đầu. Nhức đầu trong tam cá nguyệt thứ ba có xu hướng liên quan thường xuyên hơn đến tư thế sai và căng thẳng do mang thêm trọng lượng.
Triệu chứng đau đầu thường gặp khi mang thai là gì?
Cơn đau đầu có thể khác nhau ở mỗi người. Bạn có thể bị:
- Đau âm ỉ;
- Đau nhói hoặc đau theo nhịp đập;
- Đau dữ dội ở một hoặc cả hai bên;
- Đau nhói sau một hoặc cả hai mắt;
- Đau nửa đầu cũng có thể bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, nhìn thấy các đường hoặc tia sáng,…
Điều trị chứng đau đầu khi mang thai như thế nào?
Nếu bạn bị đau đầu, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Ngủ trưa hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong phòng tối và tập thở sâu.
- Tắm nước ấm.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Đắp túi chườm lạnh hoặc chườm nóng lên trán hoặc sau gáy.
- Xoa bóp cổ nhẹ nhàng.
- Nếu bạn cần dùng thuốc giảm đau thì dùng thuốc giảm đau paracetamol là an toàn khi mang thai. Khi bạn đang mang thai, hãy tránh dùng thuốc chống viêm như ibuprofen hoặc aspirin và các loại thuốc có chứa caffeine.
- Thực hành tư thế tốt (đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba).
- Nếu bạn bị đau đầu do xoang, hãy chườm ấm quanh mắt và mũi.
Tìm hiểu thêm: Xoa bóp bấm huyệt điều trị mất ngủ được thực hiện như thế nào?
Biện pháp ngăn ngừa đau đầu khi mang thai
Nếu bạn thấy mình thường xuyên bị đau đầu nhẹ, bạn nên:
- Thực hiện theo một lịch trình ngủ thường xuyên. Thiếu ngủ có thể góp phần gây đau đầu khi mang thai.
- Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày.
- Tham gia các lớp yoga dành cho bà bầu hoặc tập một số loại bài tập khác.
- Học các kỹ thuật thư giãn hoặc quản lý căng thẳng. Tìm những cách lành mạnh để đối phó với các yếu tố gây căng thẳng.
- Đừng nhịn ăn quá 4 giờ. Ăn các bữa ăn đều đặn theo lịch trình và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa chứng đau đầu.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn.
- Tránh các tác nhân gây đau đầu: Nếu trước đây có một số loại thực phẩm hoặc mùi nào đó gây đau đầu, hãy tránh chúng. Một số thức ăn như sô cô la, rượu bia, sữa chua, phô mai, đậu phộng, bánh mì men tươi
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn. Hãy thử hít thở sâu, tập yoga và xoa bóp.
Khi nào cần khám bác sĩ sản khoa?
Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai. Bất kỳ dấu hiệu nào sau đây đều có thể là dấu hiệu của tiền sản giật và cần được kiểm tra ngay lập tức:
- Đau đầu dữ dội;
- Có vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ hoặc nhìn thấy đèn nhấp nháy;
- Đau ngay dưới xương sườn của bạn;
- Nôn mửa;
- Sưng mặt, tay, chân hoặc mắt cá chân của bạn tăng đột ngột;
- Đau đầu không giảm khi sử dụng paracetamol;
- Đau đầu kèm theo nóng rát ở ngực, tức ngực.
>>>>>Xem thêm: Trào ngược dạ dày uống sữa đậu nành có được không? Những lưu ý khi uống sữa đậu nành
Đau đầu khi mang thai là tình trạng phổ biến. Thực hiện một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh có thể giúp bạn tránh những cơn đau đầu không đáng có. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ tiền sản giật, hãy đi khám ngay để được đánh giá huyết áp cũng như sức khỏe thai kỳ.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể