Mụn viêm dưới da thường gặp nhất ở tuổi dậy thì. Mụn viêm không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây đau đớn, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng mụn nghiêm trọng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại mụn viêm dưới da và cách điều trị nhé!
Bạn đang đọc: Các loại mụn viêm dưới da và cách điều trị
Mụn viêm dưới da có thể xuất hiện với tình trạng nhẹ hoặc nặng tùy từng người. Tuy nhiên, mụn viêm nhẹ không được điều trị kịp thời sẽ phát triển thành tình trạng nghiêm trọng. Lúc này, không chỉ yếu tố thẩm mỹ bị ảnh hưởng mà mụn viêm còn gây đau đớn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của “khổ chủ”. Nếu bạn muốn tìm hiểu cách điều trị mụn viêm hiệu quả, đừng bỏ qua những thông tin dưới đây!
Contents
Mụn viêm dưới da là gì và có những loại nào?
Mụn viêm là những nốt sưng đỏ, hơi nhô lên bề mặt da, khi chạm tay vào sẽ thấy cứng và đau. Ban đầu, mụn có thể chỉ sưng nhỏ và hơi đỏ. Nhưng khi mụn “chín”, nhân mụn sẽ nhô lên bề mặt da nhiều hơn. Quan sát bằng mắt thường ta có thể thấy rõ mủ trắng. Khi mụn vỡ ra, mủ trắng cũng sẽ chảy ra. Nếu không vệ sinh cẩn thận, vi khuẩn trong dịch mủ sẽ lây lan sang các vùng da khác và dẫn đến hình thành nhiều mụn viêm khác.
Có các loại mụn viêm dưới da thường gặp như:
Mụn viêm đỏ
Đây là những mụn sưng to, màu đỏ, chưa hình thành nhân mủ màu trắng, nằm sâu trong da. Không nên nặn loại mụn này vì có thể dẫn đến hình thành mụn bọc, mụn nang khiến da bị tổn thương nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ sẹo lõm.
Mụn viêm mủ
Mụn viêm mủ là những mụn sưng to, gây đau, xuất hiện đầu mụn chứa mủ màu vàng hoặc trắng. Nếu nặn mụn viêm mủ khi mụn chưa chín sẽ dễ làm mụn lây lan, gây nhiễm trùng hoặc viêm nặng hơn.
Mụn bọc
Mụn bọc là dạng mụn viêm nặng với nốt mụn to, cứng, sưng và đau hơn mụn viêm mủ thông thường. Bên trong mụn viêm bọc có thể chứa nhiều mủ và máu độc ẩn sâu bên dưới da. Nặn mụn bọc không đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng da.
Mụn nang
Đây là tình trạng nặng nhất của mụn viêm với sự hình thành của các ổ mụn to chứa nhiều mủ, máu, gây đau nhức. Mụn này thường nằm sâu dưới da và kích thước lớn nên rất khó xử lý. Nếu nặn mụn nang không đúng cách nguy cơ nhiễm trùng rất cao và làn da bị tổn thương khó có thể phục hồi hoàn toàn.
Nguyên nhân gây mụn viêm dưới da
Bạn có biết mụn viêm dưới da hình thành thế nào không? Trước hết, tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh khiến bã nhờn trên da dư thừa và làm bít tắc các lỗ chân lông. Lỗ chân lông bị bít tắc khiến các chất bã nhờn bên trong không thoát ra được. Vi khuẩn gây mụn tồn tại trên bề mặt da khi gặp lỗ chân lông bít tắc, bã nhờn dư thừa sẽ phát triển mạnh mẽ và bắt đầu gây viêm nhiễm. Những nốt mụn sưng đỏ bắt đầu hình thành và có thể gây ngứa.
Vi khuẩn sau đó tiếp tục xâm nhập vào sâu trong da, gây viêm nhiễm và hình thành mủ. Các khối mủ lớn dần lên và kích cỡ mụn viêm tăng lên sẽ gây tổn thương xuống lớp trung bì và hạ bì của da. Cấu trúc các mô liên kết dưới da bị phá vỡ nên dễ gây hình thành sẹo lõm, sẹo thâm khi mụn lành.
Như vậy, “thủ phạm” gây mụn viêm chính là vi khuẩn. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tác động, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây mụn như:
- Rối loạn nội tiết khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh bất thường.
- Vệ sinh da không đúng cách nên bề mặt da và các lỗ chân lông không được làm sạch hiệu quả.
- Chế độ ăn uống với nhiều đồ ngọt, đồ cay nóng, đồ dầu mỡ… cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn phát triển.
- Chế độ sinh hoạt không khoa học với thói quen thức khuya, ngủ ít, căng thẳng thường xuyên.
- Môi trường sinh hoạt ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, hóa chất độc hại.
- Dùng mỹ phẩm kém chất lượng hoặc chứa các thành phần độc hại như Corticoid.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, nhất là thuốc có thể tác động đến nội tiết tố hay gây nóng trong cũng thúc đẩy quá trình hình thành mụn viêm dưới da.
Mụn viêm có thể tự khỏi không?
Mụn viêm có tự hết không là thắc mắc của khá nhiều người. Tuy nhiên, câu trả lời có thể khiến nhiều người thất vọng là không. Ngoài ra, mụn viêm còn khó chữa dứt điểm và dễ tái phát. Rất hiếm trường hợp mụn viêm tự khỏi bằng cách điều chỉnh các yếu tố gây mụn viêm mà không cần điều trị. Các trường hợp này thường là trường hợp bị mụn viêm mức độ nhẹ, không nằm trong nhóm đối tượng dễ bị mụn như da tiết nhiều dầu nhờn, lỗ chân lông to, da dày sừng nang lông…
Có thể thấy, trong hầu hết các trường hợp mụn viêm, mụn sẽ không thể tự khỏi nếu không điều trị. Vì vậy, tốt nhất bạn nên sớm đến gặp bác sĩ da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm: Chữa bệnh trĩ bằng đu đủ hiệu quả tại nhà
Điều trị mụn viêm dưới da thế nào?
Nếu bị mụn viêm dưới da nhẹ, ít nốt mụn, bạn có thể tự điều trị bằng sản phẩm trị mụn không kê toa. Tuy nhiên, với tình trạng mụn nặng, cách điều trị tình trạng mụn viêm tốt nhất sẽ là dùng thuốc. Thuốc kháng sinh trị mụn viêm thường không thể thiếu trong phác đồ điều trị của các bác sĩ da liễu. Kháng sinh thường được dùng cho người bị mụn viêm, mụn mủ mức độ từ vừa đến nặng. Kháng sinh sẽ tiêu diệt và ức chế vi khuẩn gây mụn và tùy từng loại vi khuẩn, tác dụng của kháng sinh sẽ khác nhau. Một số loại thuốc trị mụn viêm đáng thử như:
- Vertucid dùng để điều trị mụn viêm ở mức độ từ nhẹ đến vừa. Thành phần Adapalene trong thuốc có tác dụng giảm viêm mụn đồng thời kiểm soát tình trạng tiết nhiều dầu nhờn.
- Azanex cũng chứa thành phần chính là Adapalene với khả năng làm dịu viêm nhiễm và kiểm soát mụn viêm hiệu quả.
- Klenzit C chứa 2 thành phần gồm thành phần chống viêm mạnh là Clindamycin và một dạng Retinoid thế hệ thứ ba có tên là Adapalene có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da mới.
- Gelacmeigel được dùng trong điều trị mụn trứng cá, mụn viêm, mụn mủ hoặc các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da do vi khuẩn kỵ khí.
- Novolinda dùng trong điều trị trứng cá mủ và trứng cá bọc, bệnh nhiễm khuẩn ngoài da và niêm nang lông. Thuốc cũng có tác dụng trong điều trị viêm da, tăng tiết bã nhờn.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu về liệu pháp kháng sinh mạch trong điều trị ung thư
Mụn viêm dưới da sẽ không quá đáng ngại nếu bạn điều trị sớm và đúng cách. Để có thể điều trị và ngăn ngừa mụn viêm tái phát một cách hiệu quả, tốt nhất bạn nên đến địa chỉ uy tín để được chuyên gia da liễu trực tiếp khám và tư vấn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể