Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan trực tiếp bằng đường hô hấp. Nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp, bệnh có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiều người thường thắc mắc triệu chứng của bệnh quai bị là gì? Bệnh quai bị có nổi hạch không? Chúng ta hãy đi tìm đáp án trong bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh quai bị có nổi hạch không?
Bệnh quai bị là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ đặc điểm cũng như triệu chứng của bệnh. Vậy bệnh quai bị có bị nổi hạch không? Nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Contents
Tìm hiểu về bệnh quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi Mumps virus (virus quai bị), thuộc họ Paramyxoviridae. Loại virus này có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể người khá lâu, tuy nhiên, chúng lại nhanh chóng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của ánh nắng mặt trời, hoá chất khử khuẩn.
Virus quai bị lây lan theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn hay dịch tiết hô hấp của người bệnh. Thời điểm lây lan dễ dàng nhất đó là 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hoặc 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Chính vì tốc độ lây lan nhanh chóng này mà bệnh rất dễ tạo thành ổ dịch.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ bám vào niêm mạc mũi, miệng và di chuyển đến các cơ quan nội tạng theo đường máu. Trong một số trường hợp, mặc dù người bệnh mang virus nhưng lại không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, hay còn gọi là quai bị thể tiềm ẩn và trường hợp này vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho những người xung quanh.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 – 3 tuần (trung bình khoảng 18 ngày). Sau đó là đến thời kỳ lây truyền, tính từ thời điểm trước khi bệnh khởi phát từ 3 – 5 ngày và sau giai đoạn khởi phát từ 7 – 10 ngày, lúc này virus quai bị sẽ xuất hiện trong nước bọt của người bệnh. Khoảng một tuần quanh ngày khởi phát là thời điểm lây truyền bệnh mạnh mẽ nhất.
Triệu chứng của bệnh quai bị
Triệu chứng của bệnh quai bị thường xuất hiện từ 2 – 3 tuần sau khi nhiễm virus và sẽ giảm dần ở tuần tiếp theo. Một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh quai bị đó là sưng đau ở một hoặc cả hai tuyến nước bọt mang tai. Tình trạng sưng này có thể diễn biến nặng khiến cho phần góc của xương hàm dưới mang tai không nhìn thấy được. Đa số trường hợp một bên tai sẽ bị sưng trước và có khoảng 25% người bệnh quai bị chỉ bị sưng một bên. Một số ít trường hợp có thể bị sưng đau các tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đau ở tuyến nước bọt;
- Đau khi nhai hoặc nuốt;
- Sốt nhẹ kéo dài 3 – 4 ngày;
- Đau nhức đầu;
- Buồn nôn;
- Đau nhức cơ;
- Mệt mỏi;
- Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng.
Tìm hiểu thêm: Các loại bột ăn dặm cho bé mà phụ huynh có thể tham khảo
Một số người mặc dù bị nhiễm virus quai bị nhưng chỉ biểu hiện một số triệu chứng không đặc hiệu hay thậm chí là không xuất hiện triệu chứng. Triệu chứng của bệnh quai bị đôi khi sẽ bị nhầm lẫn với sưng hạch bạch huyết hoặc sưng tuyến nước bọt do nhiễm cúm.
Bệnh quai bị có nổi hạch không?
Cơ thể con người có 3 cặp tuyến nước bọt lớn đó là mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm. Trong đó, bệnh quai bị là một bệnh nhỏ của viêm tuyến nước bọt, cụ thể là viêm tuyến nước bọt mang tai do virus quai bị gây ra.
Các tuyến viêm sẽ sưng to và giảm dần theo thời gian. Trong bệnh quai bị, các hạch ở quanh tuyến mang tai cũng có thể bị viêm và nổi lên, mắt thường có thể quan sát thấy được. Tuy nhiên, các hạch này là hạch viêm lành tính. Thông thường, khi bệnh quai bị khỏi thì các hạch này cũng sẽ giảm viêm, thu nhỏ kích thước và sẽ lặn dần sau đó. Thông thường, bệnh quai bị sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày và hết sốt sau 3 – 4 ngày, tuyến nước bọt hết sưng trong vòng 8 – 10 ngày.
Nếu các hạch này không gây khó chịu, sưng to, đau, nóng rát… thì người bệnh có thể tiếp tục theo dõi và tập trung điều trị quai bị. Nhưng nếu sau 3 tháng mà hạch vẫn chưa lặn hẳn hoặc có biểu hiện mọc thêm nhiều hạch mới thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, thăm khám, chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Bột đậu đỏ có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Biến chứng của bệnh quai bị
Quai bị là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng hơn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Viêm tinh hoàn
Đây là tình trạng đặc hiệu, có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc cả người trưởng thành. Khi xuất hiện biến chứng này, tinh hoàn sẽ sưng to hơn so với bình thường từ 2 – 3 lần, đau bìu, mào tinh dày bất thường. Có khoảng 30% người bị biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị sẽ bị teo tinh hoàn ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng tỷ lệ mắc bệnh vô sinh.
Viêm buồng trứng do quai bị
Đây là biến chứng có thể gặp ở nữ giới với tỷ lệ mắc phải khoảng 7%. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau âm ỉ vùng bụng, đau từng cơn ở một bên hố chậu, ra nhiều khí hư, có mùi hôi và biến đổi về màu sắc. Nếu bệnh tiếp tục không được điều trị phù hợp sẽ dễ tiến triển thành các bệnh như viêm buồng trứng mãn tính, dính buồng trứng, u nang buồng trứng, mưng mủ buồng trứng, tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến chất lượng của trứng, tăng khả năng mắc bệnh vô sinh.…
Viêm não
Sau khi tiến vào cơ thể, virus quai bị có thể tấn công lên hệ thần kinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng não hoặc viêm não. Biến chứng ở não do quai bị thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên vẫn có trường hợp trẻ em bị mắc phải.
Điếc vĩnh viễn
Đây là một biến chứng rất hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 2/10.000 trường hợp. Điếc tai thường xảy ra ở giai đoạn khởi phát của bệnh, khi virus xâm nhập và làm tổn thương ốc tai và tình trạng này thường không hồi phục. Cho đến hiện nay, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng điếc tai vĩnh viễn này.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin về bệnh quai bị, đồng thời đã trả lời câu hỏi bệnh quai bị có nổi hạch không. Đây là bệnh lý khá lành tính, mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc trị bệnh nhưng những phương pháp điều trị triệu chứng kết hợp với chăm sóc người bệnh và phòng ngừa biến chứng sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng. Hãy chủ động tiêm phòng vaccine ngừa bệnh quai bị để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và những người thân xung quanh.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể