Trong điều trị cho bệnh nhân bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML), điều tối quan trọng là người điều trị phải là bác sỹ chuyên khoa huyết học hoặc chuyên khoa ung thư có kinh nghiệm trong điều trị ung thư máu. Các phương án điều trị và các khuyến nghị điều trị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính
Các phương án điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Giai đoạn bệnh, các tác dụng phụ, nguyện vọng và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh… Điều trị CML đã được cải thiện đáng kể trong 16 năm qua, cách điều trị đã thay đổi hoàn toàn và giúp người bệnh sống lâu hơn.
Người bệnh nên dành thời gian để tìm hiểu về tất cả các lựa chọn điều trị của mình. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về mục đích của mỗi phương pháp và những gì sẽ xảy ra trong khi điều trị.
Contents
Các phương pháp điều trị bằng thuốc
Các liệu pháp điều trị toàn thân sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại thuốc này được đưa qua đường máu để đến tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Các liệu pháp điều trị toàn thân này thường được bác sĩ huyết học hoặc bác sĩ ung thư kê đơn. Đường phổ biến sử dụng trong các liệu pháp điều trị toàn thân bao gồm: Đường tĩnh mạch (IV) đưa thuốc vào tĩnh mạch qua kim và đường miệng – nuốt thuốc dạng viên nén/viên nang.
Hình ảnh minh họa tế bào máu bình thường và tế bào bạch cầu dòng tủy
Các liệu pháp điều trị toàn thân được sử dụng điều trị CML bao gồm: Điều trị đích, điều trị hóa chất và điều trị miễn dịch. Mỗi người bệnh có thể chỉ nhận duy nhất 1 liệu pháp điều trị tại 1 thời điểm hoặc kết hợp các liệu pháp cùng lúc. Bệnh nhân nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu về các loại thuốc bạn đang được kê đơn và sử dụng: Mục đích sử dụng, các tác dụng phụ có thể xảy ra hoặc tương tác giữa các loại thuốc.
Điều trị đích
Điều trị đích là một phương pháp nhắm vào các gen, proteins hoặc môi trường mô đóng góp vào sự phát triển và tồn tại của ung thư. Phương pháp này ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng lên các tế bào lành. Điều quan trọng người bệnh cần ghi nhớ là phải tránh làm cha hoặc mang bầu trong khi sử dụng thuốc vì có rất nhiều rủi ro cho sự phát triển của đứa trẻ.
Điều trị đích là một phương pháp nhắm vào các gen, proteins hoặc môi trường mô bệnh
Hóa trị liệu
Hóa trị liệu là sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn sự phát triển và phân chia của chúng. Một liệu trình hóa trị thường bao gồm một số chu kỳ cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân có thể được sử dụng một hoặc đồng thời nhiều loại thuốc hóa chất cùng một lúc.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch, hay còn được gọi là liệu pháp sinh học, được thiết kế nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Bằng cách sử dụng các chất liệu tự nhiên của cơ thể hoặc nhân tạo, liệu pháp này giúp cải thiện, nhắm mục tiêu hoặc phục hồi chức năng hệ thống miễn dịch.
Ghép tủy/cấy ghép tế bào gốc
Cấy ghép tủy xương là thủ thuật y khoa, trong đó tủy xương của người bệnh được thay thế bằng các tế bào chuyên biệt cao, hay các tế bào gốc tạo máu, từ đó phát triển thành tủy xương khỏe mạnh. Các tế này được tìm thấy cả trong máu và tủy xương. Ngày nay, quy trình này thường được gọi là cấy ghép tế bào gốc hơn là ghép tủy, do bản chất là cấy ghép tế bào gốc tạo máu, không phải là mô tủy xương thực sự.
Trước khi đề nghị cấy ghép, các bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về những rủi ro của phương pháp điều trị này. Họ cũng sẽ xem xét một số yếu tố khác, chẳng hạn như giai đoạn bệnh, kết quả điều trị trước đó, tuổi và tình trạng sức khỏe chung. Mặc dù đây là phương pháp điều trị duy nhất có thể chữa khỏi CML, tuy nhiên hiện nay lại ít được sử dụng hơn, do cấy ghép tủy có rất nhiều tác dụng phụ hơn những phương pháp khác.
Có 2 hình thức ghép tế bào gốc tùy thuộc vào nguồn gốc của tế bào: Ghép tế bào gốc đồng loài (ALLO) và tự thân (AUTO). ALLO sử dụng tế bào gốc được hiến tặng, trong khi AUTO sử dụng tế bào của chính bệnh nhân. Ở cả hai hình thức này, đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hóa trị và/hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư trong tủy xương, máu và các bộ phận khác của cơ thể. Sau đó sẽ tiến hành ghép các tế bào gốc tạo máu thay thế để tạo ra tủy xương khỏe mạnh. Chỉ có phương pháp cấy ghép ALLO mới được sử dụng để điều trị CML.
Chăm sóc – điều trị triệu chứng và tác dụng phụ
Bệnh bạch cầu và việc điều trị bệnh bạch cầu thường gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Bên cạnh các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ bệnh, điều trị giảm nhẹ các triệu chứng và quản lý tác dụng phụ cũng là một phần rất quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân. Cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ các nhu cầu về thể chất, tinh thần và nhu cầu xã hội của bệnh nhân.
Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Bất kỳ bệnh nhân nào, bất kể tuổi tác hoặc loại ung thư, đều có thể được chăm sóc giảm nhẹ. Thực tế, bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu thường được điều trị bệnh cùng lúc với chăm sóc giảm nhẹ để giảm các tác dụng phụ. Những bệnh nhân này ít có triệu chứng nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống tốt hơn và hài lòng hơn với việc điều trị.
Tìm hiểu thêm: Toxocara IgG là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm này?
Việc điều trị bệnh bạch cầu thường gây ra các tác dụng phụ không mong muốn
Các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ rất đa dạng, thường bao gồm: Thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, các kỹ năng thư giãn, hỗ trợ tinh thần và các liệu pháp khác… Bệnh nhân cũng có thể được chăm sóc giảm nhẹ bằng cách thức tương tự như các phương pháp điều trị triệt căn bệnh bạch cầu, ví dụ như hóa trị. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về mục đích của mỗi phương pháp điều trị trong kế hoạch điều trị của bạn.
Trước khi bắt đầu điều trị, bạn hãy trao đổi với các nhân viên y tế về các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ. Khi gặp vấn đề trong và sau khi điều trị, bạn cần báo càng sớm càng tốt cho bác sỹ hoặc cán bộ y tế để được xử lý kịp thời.
Lựa chọn điều trị theo giai đoạn bệnh
Giai đoạn mãn tính
Mục tiêu trước mắt là làm giảm các triệu chứng của CML. Các mục tiêu dài hạn là làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh chuyển sang giai đoạn bùng phát.
Giai đoạn tăng tốc
Các thuốc sử dụng cho CML giai đoạn mãn tính có thể được sử dụng cho bệnh nhân CML giai đoạn tăng tốc. Mặc dù điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cho hiệu quả tốt, tuy nhiên không thể cho kết quả tối ưu như khi sử dụng ở giai đoạn mãn tính. Nếu bệnh nhân không được khuyến cáo sử dụng phương pháp ALLO hoặc không có người hiến tặng phù hợp, bệnh nhân có thể được sử dụng các liệu pháp miễn dịch hoặc tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Giai đoạn bùng phát
Điều trị bằng liệu pháp miễn dịch chỉ có hiệu quả trong vài tháng đối với bệnh nhân CML ở giai đoạn bùng phát, nhưng có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh trong khi tiến hành ghép tế bào gốc. Trong trường hợp bệnh nhân đáp ứng với phương pháp ghép tế bào gốc sẽ cho kết quả điều trị tốt hơn. Mặc dù trong giai đoạn bùng phát, tỉ lệ thành công của phương pháp này thấp hơn so với giai đoạn mãn tính, nhưng ghép tế bào gốc/ tủy xương cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt đối với một số bệnh nhân.
CML kháng trị
Nếu thấy bệnh bạch cầu không đáp ứng với điều trị, người bệnh cần trao đổi với các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị CML kháng thuốc. Các bác sĩ khác nhau có thể có những ý kiến khác nhau về các phác đồ tối ưu. Thử nghiệm lâm sàng cũng có thể là một lựa chọn. Tham khảo thêm các ý kiến khác có thể giúp bệnh nhân thoải mái và tin tưởng hơn khi xác định hướng điều trị của bản thân. Liệu trình điều trị có thể bao gồm sự kết hợp giữa cấy ghép tế bào gốc/tủy xương, hóa trị và điều trị nhắm trúng đích. Chăm sóc giảm nhẹ cũng là một phần rất quan trọng để giúp ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng cùng tác dụng phụ.
Điều trị theo giai đoạn bệnh giúp bệnh nhân hạn chế tác dụng phụ
Bệnh thuyên giảm và khả năng tái phát CML
Bệnh được xác định là thuyên giảm khi không còn phát hiện bệnh bạch cầu trong cơ thể bằng các xét nghiệm di truyền tế bào và không còn triệu chứng của bệnh. Điều này cũng có thể được gọi là “không có bằng chứng về bệnh”.
Sự thuyên giảm này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc chắn này khiến nhiều bệnh nhân lo lắng CML sẽ tái phát trở lại. Do đó, họ cần trao đổi với bác sĩ về khả năng bệnh tái phát. Hiểu rõ nguy cơ bệnh tái phát và các lựa chọn điều trị có thể giúp bệnh nhân có sự chuẩn bị tốt hơn nếu tái mắc CML.
Nếu bệnh bạch cầu tái phát mặc dù đã được điều trị trước đó, quy trình các xét nghiệm sẽ được tiến hành lại để đánh giá lại tình trạng bệnh. Sau khi các xét nghiệm này được thực hiện, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về các lựa chọn điều trị. Thông thường, kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên, chẳng hạn như liệu pháp nhắm trúng đích, hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch.
Bên cạnh đó, chúng có thể được kết hợp hoặc được sử dụng với các cách kết hợp và liều lượng khác với lúc trước. Bác sĩ có thể đề xuất với người bệnh tham gia các thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành về các phương pháp điều trị mới. Cho dù bệnh nhân lựa chọn phác đồ nào, chăm sóc giảm nhẹ cũng có vai trò rất quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.
>>>>>Xem thêm: Tại sao bị liệt mặt? Các phương pháp phục hồi chức năng sau khi bị liệt mặt là gì?
Chăm sóc giảm nhẹ có vai trò rất quan trọngNếu điều trị không hiệu quả
Không phải lúc nào bệnh nhân cũng có thể khỏi hay hồi phục sau quá trình điều trị. Nếu CML không thể kiểm soát, bệnh sẽ tiến triển và có thể dẫn đến giai đoạn cuối.
Kết quả này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bệnh nhân. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần trò chuyện cởi mở và trung thực với các nhân viên y tế hoặc người thân để giải tỏa cảm xúc cá nhân. Các nhân viên y tế được trang bị kiến thức, kỹ năng nên có thể hỗ trợ cho người bệnh và gia đình người bệnh. Điều quan trọng nhất là đảm bảo cho bệnh nhân thoải mái về thể chất, được được kiểm soát tốt các cơn đau và các tác dụng phụ.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể