Xương sườn bị va đập mạnh, tác động lực lớn hay chấn thương có thể gây gãy xương hoặc chấn thương phần mềm. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chấn thương phần mềm xương sườn.
Bạn đang đọc: Chấn thương phần mềm xương sườn: Triệu chứng và cách điều trị
Xương sườn bị tác động mạnh hay va chạm nghiêm trọng có thể bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Nặng thì dẫn đến gãy xương sườn, nhẹ thì bị chấn thương phần mềm xương sườn. Vậy chấn thương ở phần mềm xương sườn là gì? Triệu chứng cảnh báo tình trạng này là gì? Cách điều trị khi chấn thương ở phần mềm xương sườn ra sao?
Contents
Vai trò và vị trí của xương sườn
Trên cơ thể con người có bao nhiêu xương sườn? Mỗi chúng ta có 12 cặp, tương ứng với 24 chiếc xương sườn. Tuy nhiên, một số ít người (tỷ lệ 1/500) sẽ có thêm một chiếc xương sườn phụ. Mỗi xương sườn bắt đầu từ cột sống và kết nối với cột sống bằng một đốt sống lưng trên. Sau đó, xương sườn uốn quanh theo phần bên của cơ thể và vòng ra trước ngực. Giữa các xương sườn có một khoảng trống tách biệt gọi là khoang liên sườn.
Trong hệ xương trong cơ thể người, xương sườn có chức năng riêng và có vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể là:
- Xương sườn là nơi để các cơ và các gân bám vào.
- Xương sườn tạo không gian vừa đủ trong khoang ngực, giúp phổi có thể nở ra và co lại trong quá trình hô hấp. Xương sườn có khả năng di chuyển giúp lồng ngực căng giãn dễ dàng khi không khí đi vào phổi. Như vậy, xương sườn cũng góp phần giúp quá trình hô hấp của chúng ta diễn ra một cách bình thường.
- Xương sườn như một bộ khung chắc chắn có tác dụng bảo vệ các cơ quan nội tạng quan trọng bên trong cơ thể như tim, phổi, thực quản, khí quản, cơ hoành, gan, lá lách, các cơ, mạch máu và các dây thần kinh,… Đây chính là chức năng quan trọng hàng đầu của hệ xương sườn.
Chấn thương phần mềm xương sườn là gì?
Phần mềm xương sườn là phần mô, cơ bao bọc quanh xương sườn. Chấn thương phần mềm xương sườn là tình trạng chấn thương xảy ra với các mô, cơ này sau té ngã, tác động lực trực tiếp lên vùng xương sườn, tai nạn, va chạm mạnh,…
Chúng ta có thể nghi ngờ phần mềm xương sườn bị chấn thương khi nhận thấy các dấu hiệu như:
- Quan sát bằng mắt thường bạn cũng có thể nhận thấy vùng da tại vị trí xương sườn bị bầm tím, tím, vàng hoặc xanh lam.
- Cảm giác ấn vào xương sườn thấy đau nếu chấn thương nhẹ và không ấn cũng đau vùng xương sườn khi chấn thương nặng hơn. Có những người đau khi cơ thể chuyển động nhưng cũng có những người thấy đau ngay cả lúc nghỉ ngơi.
- Cảm giác đau ở vùng xương sườn tăng lên khi hắt hơi, ho, cười, hít thở.
Cần làm gì khi chấn thương phần mềm xương sườn?
Mặc dù phần mềm quanh xương sườn bị bầm tím, đau đớn nhưng xương sườn lành hoàn toàn, không bị nứt vỡ hay gãy. Trong điều trị chấn thương phần mềm xương sườn hay chấn thương các mô mềm khác, phương pháp sơ cứu tiêu chuẩn chính là phương pháp RICE – viết tắt của các từ Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép), Elevation (kê cao vị trí chấn thương). Phương pháp này cần được thực hiện trong 48 – 72 giờ đầu tiên của chấn thương.
Tuy nhiên, người bệnh không được dùng băng hoặc thắt lưng quấn quanh ngực. Việc này khiến xương sườn không thể di chuyển khi họ ho hoặc hít thở và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi.
Tìm hiểu thêm: Mẹo chữa bệnh trĩ bằng lá lốt không tốn nhiều chi phí
Quy trình và phương pháp điều trị sau đó sẽ phụ thuộc vị trí chấn thương, loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Để chẩn đoán, đánh giá tình trạng chấn thương và loại trừ các chấn thương nghiêm trọng hơn như gãy xương hoặc tổn thương cơ quan nội tạng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang, chụp MRI hoặc chụp cắt lớp CT.
Trong chấn thương phần mềm của xương sườn, thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn gãy xương sườn. Tình trạng chấn thương có thể khỏi hoàn toàn sau 4 – 6 tuần chăm sóc và điều trị.
Phục hồi sau chấn thương phần mềm xương sườn
Ngoài điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân bị chấn thương phần mềm xương sườn cũng cần áp dụng các cách hỗ trợ phục hồi phù hợp. Cụ thể là:
- Nếu người bệnh thấy đau, có thể dùng túi chườm lạnh y tế để chườm lên vùng bị chấn thương khoảng 10 – 15 phút, mỗi ngày chườm 2 – 3 lần.
- Dùng thuốc giảm đau sẽ là cách để làm dịu các cơn đau nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu bị bệnh tim, huyết áp cao, bệnh gan, bệnh thận hay loét dạ dày.
- Luyện tập các bài tập bổ trợ cũng rất tốt cho quá trình phục hồi bệnh. Cảm giác đau khi hít thở khiến nhiều bệnh nhân thở nông. Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. Vì vậy, bệnh nhân cần tập thở sâu theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứ khoảng 2 giờ, người bệnh nên ho nhẹ và tập hít thở sâu để phòng ngừa xẹp phổi và tống khứ dịch nhầy ra khỏi phổi nếu có.
>>>>>Xem thêm: Cao răng là gì? Phân độ cao răng, cách loại bỏ và phòng ngừa cao răng
Chăm sóc sau chấn thương phần mềm xương sườn
Trong quá trình phục hồi sau chấn thương, người bệnh cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt nhưng cần lưu ý những điều sau:
- Sau chấn thương, người bệnh cảm thấy đau đớn, mệt mỏi nên có thể muốn nghỉ ngơi nhiều. Tuy nhiên, người bệnh không nên nằm cả ngày vì rất dễ khiến chất lỏng bị tích tụ trong phổi.
- Trong quá trình điều trị phục hồi, bệnh nhân không sử dụng thuốc lá hay bất cứ loại chất kích thích nào như rượu, bia, thuốc lá điện tử, cà phê,…
- Trong những đêm đầu tiên, bệnh nhân nên ngủ ở tư thế thẳng. Họ có thể cần những chiếc gối ở lưng trên và cổ hỗ trợ. Sau vài ngày, họ có thể ngủ với tư thế thoải mái hơn.
- Nên tránh các hoạt động kéo, nâng, đẩy vật nặng, xách vật nặng khi tổn thương chưa phục hồi hoàn toàn.
- Cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể nhanh phục hồi. Các thực phẩm giàu omega-3, axit nitric, vitamin C, collagen,… có thể thúc đẩy nhanh quá trình lành thương.
- Khi dùng bất cứ loại thuốc nào, nếu có tác dụng phụ bạn nên báo cho bác sĩ để đổi thuốc nếu cần thiết.
- Không tự ý dùng thuốc giảm đau. Nếu thấy cảm giác cơn đau có xu hướng gia tăng và có thể kèm theo sốt, buồn nôn hay các triệu chứng nặng, người bệnh cần được tái khám sớm.
Chấn thương phần mềm xương sườn không nguy hiểm nhưng người bệnh cần thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Ngay khi nhận thấy có dấu hiệu cảnh báo chấn thương, người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và loại trừ các chấn thương nghiêm trọng hơn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể