Dây chằng là một trong những thành phần không thể thiếu trong cơ thể, nhờ có nó mà chúng ta có thể di chuyển, vận động một cách linh hoạt được. Tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ gặp những tổn thương như rách, đứt hay viêm nhiễm… Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo của dây chằng và những chấn thương liên quan nhé!
Bạn đang đọc: Đặc điểm cấu tạo của dây chằng và những chấn thương liên quan
Các xương sẽ không thể liên kết một cách dễ dàng với nhau nếu không có dây chằng. Dây chằng xuất hiện ở khắp cơ thể, giúp đảm bảo việc vận động và di chuyển linh hoạt của con người. Khi dây chằng gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Để có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm cấu tạo của dây chằng và những chấn thương liên quan, mời bạn tham khảo bài viết sau nhé!
Contents
Dây chằng là gì? Cấu tạo của dây chằng
Dây chằng là tập hợp những mô liên kết sợi cứng, với thành phần chủ yếu là từ phân tử collagen dai và dài. Các sợi dây chằng này sẽ có nhiệm vụ liên kết các xương lại với nhau, đảm bảo ổn định các khớp và ngăn chặn các chuyển động bất thường.
Cấu tạo của dây chằng bao gồm một dải các bó mô liên kết sợi cứng được tạo thành từ các sợi collagen. Các bó mô này được bảo vệ bởi những lớp mô liên kết dày đặc và không đều nhau.
Dây chằng có ở rất nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như khớp vai, cổ, lưng, khớp gối, khớp háng… Những sợi này sẽ khác nhau về hình thù cũng như kích thước nhưng chúng đều có chung một đặc điểm là dễ bị tổn thương, kéo giãn hay đứt bởi những tác động mạnh. Đặc biệt dây chằng ở vị trí khớp gối là dễ bị tổn thương nhất.
Chức năng của dây chằng
Dây chằng là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống cơ xương khớp, chúng góp phần hình thành nên những cử động của cơ thể. Một số chức năng quan trọng của dây chằng bao gồm:
- Kết nối các xương với nhau để tạo thành khớp. Nhờ có dây chằng mà các khớp xương được sắp xếp một cách trật tự, đảm bảo vận động trượt và lướt một cách trơn tru trên bề mặt khớp, đồng thời hỗ trợ sự vận động một cách linh hoạt của các khớp.
- Ở những khu vực đặc trưng như sống lưng, chân, dây chằng có nhiệm vụ nâng đỡ bộ xương, giúp đảm bảo hình thái đặc trưng của cơ thể.
- Giúp ngăn ngừa tình trạng trật khớp.
Việc hiểu rõ chức năng dây chằng sẽ giúp người bệnh nắm được cách bảo vệ và giảm thiểu các chấn thương về dây chằng hơn.
Phân loại dây chằng
Dây chằng đầu gối
Các xương ở khớp gối được liên kết với nhau bởi hệ thống dây chằng bao gồm:
- Dây chằng chéo trước (ACL): Nằm ở vị trí trung tâm của đầu gối có nhiệm vụ điều khiển những chuyển động quay, chuyển động tiến về phía trước của xương cẳng chân (xương chày).
- Dây chằng chéo sau (PCL): Vị trí phía sau của đầu gối có nhiệm vụ điều khiển những chuyển động ra sau của xương chày.
- Dây chằng bên trong gối (MCL): Bắt đầu từ mặt trong của đầu trên xương chày kéo dài đến mặt trong của đầu xương đùi, có nhiệm vụ duy trì sự ổn định cho khu vực bên trong đầu gối.
- Dây chằng bên ngoài (LCL): Nằm ở bên ngoài đầu gối, tạo thành một góc hẹp ở phía sau, có nhiệm vụ duy trì sự ổn định cho mặt ngoài của đầu gối.
Dây chằng khuỷu tay
Khớp khuỷu tay có khả năng chịu lực rất tốt. Các khớp này có thể thực hiện các chuyển động từ đơn giản đến phức tạp như gập, duỗi, xoay trong sinh hoạt, làm việc hay vận động thể thao… Sự vững chắc của khớp khuỷu tay được hình thành từ những dây chằng: Dây chằng hình khuyên, dây chằng bên ngoài và dây chằng hướng tâm.
Dây chằng khớp vai
Những dây chằng ở vai bao gồm dây chằng quạ đòn, dây chằng quạ – cùng, dây chằng khớp cùng đòn, dây chằng quạ cánh tay và dây chằng ổ chảo cánh tay giúp duy trì sự ổn định cũng như ngăn ngừa tình trạng trật khớp vai.
Dây chằng khớp cổ chân
Dây chằng khớp cổ chân được chia thành hai nhóm cụ thể, bao gồm:
- Dây chằng bên ngoài cổ chân gồm có dây chằng sên-mác trước, dây chằng sên-mác sau và dây chằng mác gót.
- Dây chằng bên trong cổ chân gồm những dây chằng delta.
Chức năng của những dây chằng này là giúp đảm bảo sự ổn định của khớp và giữ cho khớp cổ chân ở đúng vị trí của nó.
Dây chằng khớp háng
Dây chằng khớp háng gồm có 2 loại:
- Dây chằng nằm trong ổ khớp là những dây chằng tròn hay còn gọi là dây chằng chỏm đùi.
- Dây chằng nằm ngoài ổ khớp bao gồm dây chằng ngồi đùi, dây chằng chậu đùi và dây chằng mu đùi.
Ngoài các dây chằng nêu trên, còn có những dây chằng vòng quanh mặt sau của cổ khớp háng. Những dây chằng trong bao khớp sẽ giúp bảo vệ động mạch chỏm đùi, trong khi những dây chằng ngoài bao khớp sẽ giúp thực hiện các cử động như duỗi háng, dạng háng, xoay ngoài khớp háng, duỗi hông, xoay trong và duỗi hoặc khép háng.
Tìm hiểu thêm: Siêu âm canh trứng và những điều bạn cần biết
Dây chằng lưng
Tổng cộng có 7 loại dây chằng giúp hỗ trợ các hoạt động của cột sống, bao gồm: Dây chằng vàng, dây chằng bao khớp, dây chằng liên gai, dây chằng trên gai, dây chằng gian mỏm ngang, dây chằng dọc sau và dây chằng dọc trước. Trong đó, dây chằng dọc trước và sau là hai thành phần chính để tạo nên sự ổn định cho cột sống.
Những chấn thương ở bộ phận này có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, gây khó khăn cho người bệnh trong việc gập người về phía sau, gây đau. Trong trường hợp lưng bị hướng ra ngoài, đặc biệt là khi đột ngột uốn cong hoặc vặn vẹo lưng, khả năng cao người này đang bị tổn thương một hoặc nhiều dây chằng ở lưng
Những chấn thương liên quan đến dây chằng
Dây chằng là bộ phận quan trọng trong việc vận động, di chuyển một cách linh hoạt của cơ thể. Tuy nhiên, đây cũng là bộ phận thường xuyên bị quá tải, dễ chịu sự tác động, va chạm trong sinh hoạt thường ngày hay khi phải thực hiện lặp đi lặp lại những động tác trong thể thao. Ngoài ra, một số trường hợp tổn thương dây chằng do vận động sai tư thế.
Điều đáng lo ngại hơn hết đó là khả năng hồi phục sau chấn thương. Dây chằng có tốc độ hồi phục chậm hơn rất nhiều so với những bộ phận khác của cơ thể. Bởi số lượng mạch máu nuôi dưỡng dây chằng khá ít nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của bộ phận này. Đặc biệt nếu bị tổn thương nghiêm trọng thì khả năng tái phát cũng sẽ rất cao, nguyên nhân là do sự vận động không phù hợp khi dây chằng chưa hồi phục hoàn toàn.
>>>>>Xem thêm: Ù tai không rõ nguyên nhân có nguy hiểm không?
Một số chấn thương liên quan đến dây chằng thường gặp như:
- Đứt dây chằng chéo trước;
- Bong gân đầu gối;
- Bong gân khuỷu tay;
- Trật khớp háng;
- Bong gân mắt cá chân;
- Chấn thương dây chằng cột sống chẳng hạn như bong gân dây chằng lưng, chấn thương do giật cổ (whiplash), hội chứng đau cơ cổ (text neck);
- Chấn thương chằng vai như trật khớp vai, chấn thương khớp cùng đòn, rách chóp xoay.
Những thông tin hữu ích vừa rồi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm cấu tạo của dây chằng và những chấn thương liên quan. Dây chằng rất dễ bị tổn thương bởi những tác động trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì thế hãy chủ động tìm hiểu cũng như có những biện pháp bảo vệ cơ thể phù hợp, tránh những thương tổn không mong muốn. Trong trường hợp bị chấn thương hãy đến thăm khám ở những địa chỉ uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể