Con người có bao nhiêu xương và hệ xương có cấu tạo như thế nào, phân hóa ra sao, đảm nhiệm chức năng gì. Tất cả những thông tin quan trọng trên sẽ được bật mí chi tiết trong bài viết ngay sau đây.
Bạn đang đọc: Giải đáp: Con người có bao nhiêu xương?
Con người có bao nhiêu xương và tổng số xương ở trẻ sơ sinh liệu có tương tự như người lớn? Nếu bạn đang phân vân về điều này thì hãy cùng Kenshin đi tìm lời giải cho câu hỏi trên.
Contents
Con người có bao nhiêu xương?
Hệ xương trong cơ thể người được hợp thành từ nhiều thành phần nhỏ lẻ, phân bố rải rác từ đầu xuống thân và tứ chi. Trong đó mỗi xương sẽ đảm nhiệm một vai trò riêng và cùng liên kết với cơ, xương ở vùng lân cận để tạo nên sự thống nhất, nhịp nhàng khi thực hiện chức năng vận động. Vậy con người có bao nhiêu xương?
Ở trẻ sơ sinh, tổng số xương trong cơ thể bé là khoảng 300 chiếc. Tuy nhiên qua thời gian, một số xương nằm gần nhau có xu hướng sáp nhập nên ở người trưởng thành, tổng số xương trong cơ thể giảm xuống chỉ còn 206. Con số này sẽ được giữ nguyên suốt phần đời còn lại.
Đây là số liệu được thống kê ở người bình thường. Trong một số trường hợp, tổng số xương của người trưởng thành có thể ít hơn hoặc nhiều hơn thông số vừa nêu và thường liên quan đến các dị tật bẩm sinh.
Bộ xương người được phân hóa như thế nào?
Sự phân hóa xương được xét theo hai hướng: Hình thái, cấu trúc và vị trí mà chúng định vị trên cơ thể.
Dựa vào hình thái, cấu trúc, người ta phân hóa xương thành các loại cơ bản sau:
- Xương dài: Đây là những loại xương quyết định trực tiếp đến chiều cao của cơ thể người. Chúng gồm phần thân kéo dài và hai đầu xương phình to, bắt gặp chủ yếu ở tứ chi. Đi liền với xương dài là các khớp động, giúp hỗ trợ đắc lực vào việc di chuyển của cơ thể.
- Xương ngắn: Xương dạng khối vuông vắn, ngắn và rắn chắc, thường có ở vùng bàn tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân và xương sống.
- Xương dẹt: Có dạng bản phẳng hoặc uốn cong, bề mặt có diện tích lớn, xuất hiện ở phần đầu, ngực, hông.
Dựa vào vị trí định vị, hệ xương được phân hóa thành các phần quan trọng dưới đây:
- Hộp sọ: Bao gồm 8 mảnh xương dẹt ghép thành hộp sọ và xương hàm mặt.
- Cột sống: Bao gồm các xương đốt sống có kết cấu ngắn, nhỏ, bên trong chứa tủy sống.
- Xương vùng ngực: Xương sườn gồm 12 cặp xương mỏng, dẹt và liên kết với xương ức, xương đốt sống để làm thành lồng ngực. Xương ức nằm ở chính giữa ngực, đấu nối với xương sườn qua sụn sườn.
- Xương vùng tay: Bao gồm xương bả vai, xương trụ, xương quay, xương quai xanh.
- Xương bàn tay: Gồm các xương vùng cổ tay, xương bàn tay và xương ngón tay.
- Xương chậu: Gồm các xương dẹt liên kết với nhau để làm nên khung chậu.
- Xương chân: Gồm xương đùi, xương bánh chè, xương chày, xương mác.
- Xương bàn chân: Gồm các xương vùng cổ chân, xương ngón chân và bàn chân.
Cấu tạo xương người
Cấu tạo xương về cơ bản là tương tự nhau ở các đại diện nhưng sẽ có đôi chút sai khác giữa xương dài so với xương dẹt và xương ngắn.
Cụ thể như đã nhắc qua ở trên, xương dài gồm 2 phần là đầu xương và thân xương.
- Đầu xương được bao bằng sụn, bên trong là mô xương xốp bao gồm các nan xương hình cung đan vào nhau tạo thành các ô chứa tủy đỏ.
- Thân xương có lớp ngoài là màng xương, tiếp đến là mô xương cứng và trong cùng là khoang chứa tủy. Ở trẻ em, khoang này sẽ chứa tủy đỏ tham gia vào chức năng tạo máu. Ở người lớn, khoang chứa tủy vàng với thành phần chính là mô mỡ.
Với xương ngắn và xương dẹt, chúng có cấu tạo đơn giản hơn và chỉ bao gồm 2 thành phần: Bên ngoài là mô xương cứng, phía trong là mô xương xốp với sự hiện diện của các nan xương và hốc chứa tủy đỏ.
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng cốc nguyệt san dễ dàng, an toàn
Chức năng của xương
Xương đảm nhiệm các chức năng cơ bản sau đây:
- Bảo vệ: Che chắn, giảm thiểu các va chạm cơ học gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan nội tạng bên trong. Điều này thể hiện rõ nhất ở xương sọ, hệ xương vùng lồng ngực và xương chậu.
- Nâng đỡ: Là điểm tựa và cũng là nơi neo đậu của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, điển hình là cơ bắp và các bộ phận được nâng đỡ bởi hệ khung xương như não, phổi, tim, dạ con,…
- Dự trữ: Xương là nơi dự trữ Ca, P và nhiều khoáng chất thiết yếu. Ngoài ra, tủy vàng trong xương rất giàu chất béo nên đây cũng là nơi dự trữ năng lượng của cơ thể.
- Tạo máu: Như đã nhắc qua, tủy đỏ của xương chính là nơi sản sinh và hoàn thiện các tế bào máu.
- Vận động: Nhờ sự liên kết giữa các xương với hệ cơ, dây chằng, khớp mà con người có thể di chuyển dễ dàng, vận động một cách linh hoạt và có chủ đích.
Để giúp bộ xương luôn khỏe mạnh, chúng ta cần lưu ý những gì?
Để xương luôn chắc khỏe, dẻo dai thì bạn cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau:
- Vận động vừa sức, lắng nghe cơ thể mình để lựa chọn một phương pháp rèn luyện phù hợp. Tùy trường hợp cụ thể mà bạn có thể tập yoga, chạy bộ, đi bộ, leo núi hoặc tập dưỡng sinh, thiền định,…
- Bổ sung canxi để phòng ngừa nguy cơ loãng xương. Canxi là thành phần khoáng chất quan trọng nhất của hệ xương. Vậy nên nếu thiếu hụt nhân tố này, mật độ xương sẽ ngày càng thấp, xương bị xốp, giòn và rất dễ gãy. Do đó để ngăn ngừa rủi ro trên, bạn hãy dung nạp canxi qua đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa và chế phẩm từ sữa, cá mòi, rau xanh, tôm, đậu nành,… cũng là một trong những cách giúp xương chắc khỏe.
- Cung cấp đủ vitamin D và vitamin K2 vì hai đại diện trên đều giúp tối ưu hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Một số thực phẩm chứa hàm lượng lớn vitamin D và vitamin K2 bao gồm: Rau xanh, đậu tương lên men, phô mai, dưa bắp cải,…
- Bổ sung omega-3 để mật độ xương luôn được duy trì ở mức lý tưởng. Bạn có thể dung nạp dưỡng chất này bằng cách đưa vào thực đơn hằng tuần các loại hạt dinh dưỡng, cá thu, cá hồi, cá mòi tươi,…
- Theo dõi và kiểm soát tốt cân trọng. Khảo sát thực tế cho thấy người thiếu cân thường rất dễ bị loãng xương. Ngược lại, béo phì làm tăng áp lực lên xương khớp do hệ cơ quan này phải đảm nhiệm vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể.
- Nói không với bia rượu và thuốc lá vì những tác nhân gây hại này làm tăng nguy cơ loãng xương, khiến xương giòn và dễ bị dập gãy.
>>>>>Xem thêm: Cây mùi già có tác dụng gì? Vì sao phải tắm mùi già vào 30 Tết?
Câu hỏi “Con người có bao nhiêu xương?” đã được giải đáp chi tiết trong bài viết trên. Mong rằng những nội dung mà Kenshin vừa chia sẻ thực sự hữu ích đối với bạn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể