Những điều cần biết về sinh thiết hạch

Hệ bạch huyết đóng vai trò là hàng rào bảo vệ cơ thể, giúp nhận biết và chống lại những tác nhân lạ xâm nhập. Khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc viêm thì các hạch bạch huyết sẽ sưng lên. Từ những biểu hiện bất thường trên lâm sàng, để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sinh thiết hạch để làm căn cứ cho chẩn đoán bệnh lý. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về sinh thiết hạch để xem nó có vai trò quan trọng như thế nào nhé!

Bạn đang đọc: Những điều cần biết về sinh thiết hạch

Cơ thể nổi hạch có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp dựa trên biểu hiện lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm thông thường nhưng không tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết hạch để hỗ trợ chẩn đoán. Vậy sinh thiết hạch là gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những điều cần biết về sinh thiết hạch để hiểu rõ hơn về thủ thuật này nhé!

Vai trò của hệ bạch huyết đối với cơ thể

Hạch bạch huyết hay còn gọi là hạch lympho, có cấu trúc trơn hình bầu dục dẹp, phân bố rải rác dọc theo mạch bạch huyết ở khắp nơi trên cơ thể. Chúng có thể nằm ở dưới hàm, cổ, nách, bẹn, mang tai… hoặc nằm sâu bên trong cơ thể như hạch màng treo ruột.

Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của hệ miễn dịch. Chúng chứa phần lớn các tế bào lympho T, B và các tế bào khác với chức năng làm bộ lọc hoặc bẫy để bắt giữ các thành phần ngoại lai xâm nhập vào cơ thể.

Khi hạch bạch huyết được kích hoạt để chống lại những tác nhân lạ thì hạch bạch huyết bị sưng to và viêm. Dựa vào vị trí bị sưng đó, các bác sĩ sẽ có thể kiểm tra, chẩn đoán và xác định nguyên nhân. Sưng hạch bạch huyết có thể đi kèm với các biểu hiện khác nhau như đau hay không đau, to bằng hạt đậu hay bằng hạt bắp hay bằng quả trứng gà hay to hơn nữa.

sinh-thiet-hach-va-nhung-dieu-can-biet 1.webp

Hạch bạch huyết khi chống lại các tác nhân lạ sẽ bị sưng lên, đau hoặc không đau, mức độ sưng cũng khác nhau

Tóm lại, hạch bạch huyết được xem như một hàng rào miễn dịch của cơ thể và là nơi bị tấn công đầu tiên khi có mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Hạch sẽ xuất hiện các biểu hiện khác nhau tương ứng với các mức độ bệnh, từ những bệnh thông thường như viêm họng, viêm amidan cho đến ung thư. Đặc biệt ở bệnh nhân ung thư, sinh thiết hạch giúp bác sĩ xác định chính xác được giai đoạn hiện tại của bệnh để có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Sinh thiết hạch là gì?

Sinh thiết hạch bạch huyết hay được gọi tắt là sinh thiết hạch, là một thủ thuật xâm lấn để lấy mẫu bệnh phẩm tại vị trí hạch nghi ngờ để mang đi làm giải phẫu bệnh. Khi gặp vấn đề bất thường, các hạch này có thể sưng lên ở các vị trí như cổ, nách, dưới hàm, bẹn… và có thể quan sát thấy bằng mắt thường.

Sinh thiết hạch là phương pháp xâm lấn để đánh giá, xác định tình trạng bệnh lý, mức độ của bệnh đang diễn ra trong cơ thể. Khi kết quả của các xét nghiệm cơ bản không đủ để đưa ra kết luận, thì việc kết hợp với kết quả của sinh thiết hạch có thể sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh.

Khi thực hiện sinh thiết hạch, người bệnh sẽ được lấy một hoặc nhiều hạch bạch huyết để làm xét nghiệm mô bệnh học, thông qua đó để quan sát đầy đủ về cấu trúc, hình thái, thành phần và cách phân bố tế bào trong hạch.

Sinh thiết hạch có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện trong một số trường trường hợp dưới đây:

  • Hạch có phản ứng quá mẫn, nguy cơ cao bị nhiễm trùng;
  • Các bệnh lý hạch ác tính như u lympho, bạch cầu cấp,…
  • Hạch di căn ung thư;
  • Lao hạch;
  • Sưng hạch do nhiễm ký sinh trùng như giun chỉ, trypanosoma…

Quy trình tiến hành sinh thiết hạch

Tương tự như nhiều thủ thuật khác, trước khi thực hiện sinh thiết hạch, bệnh nhân sẽ được bác sĩ trao đổi chi tiết về quá trình diễn ra, nắm rõ những việc cần chuẩn bị để hỗ trợ cho quá trình diễn ra suôn sẻ và an toàn. Dưới đây là các bước tiến hành:

Trước khi sinh thiết

Trước khi thực hiện sinh thiết hạch, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm thông thường như: Siêu âm, CT scan, xét nghiệm về đông máu, các bệnh truyền nhiễm, điện tim. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn, mô tả chi tiết và giải đáp thắc mắc nếu có liên quan đến thủ thuật này, cuối cùng là bệnh nhân ký giấy chấp nhận thực hiện thủ thuật.

Một số loại thuốc sẽ được bác sĩ yêu cầu tạm dừng sử dụng vài ngày trước khi thực hiện thủ thuật như: Dabigatran, warfarin, tinzaparin, aspirin,… Nếu cơ thể bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hãy nhớ thông báo cho bác sĩ để có thể đưa ra những quyết định sử dụng thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn trong quá trình làm thủ thuật. Người bệnh hoàn toàn có thể ăn uống bình thường trước khi thực hiện sinh thiết.

Tiến hành sinh thiết

Quá trình sinh thiết hạch diễn ra khá nhanh, mất khoảng 20 phút. Trước đó, người bệnh đã được thực hiện các xét nghiệm cần thiết và xác định vị trí lấy mẫu thông qua siêu âm. Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định gây tê tại chỗ đối với người có sức khoẻ, tâm lý ổn định và gây mê đối với trẻ nhỏ, người bị lo lắng quá mức, người bị kích động,…

Tìm hiểu thêm: Nhang trầm hương có tác dụng gì? Các loại nhang trầm hương

sinh-thiet-hach-va-nhung-dieu-can-biet 2.webp
Sinh thiết hạch giúp thu được mẫu bệnh phẩm để tiến hành giải phẫu bệnh, tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp

Bệnh nhân sẽ được vệ sinh sát trùng hoặc cạo lông (nếu cần) khu vực da xung quanh hạch lấy mẫu. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cục bộ tại khu vực lấy mẫu. Tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng kim sinh thiết chuyên dụng đâm xuyên qua da vào hạch để lấy mẫu bệnh phẩm hoặc dùng dao mổ rạch da và bóc tách để lấy toàn bộ hạch. Khâu vết thương lại và cuối cùng dùng gạc vô trùng để băng bó vết thương.

Mẫu bệnh phẩm được đem đi phân tích giải phẫu bệnh và mất khoảng từ 3 – 5 ngày để có kết quả tuỳ cơ sở thực hiện xét nghiệm.

Sau khi tiến hành sinh thiết

Khi quá trình sinh thiết hạch kết thúc, người bệnh sẽ có cảm giác tê tại vị trí thực hiện do thuốc tê vẫn còn tác dụng. Sau khi thuốc hết tác dụng sẽ có thể xuất hiện cảm giác đau, mức độ đau tuỳ ngưỡng chịu đựng của mỗi người. Nếu mức độ đau vượt quá khả năng chịu đựng thì người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau.

Vì là thủ thuật xâm lấn nên người bệnh cần giữ gìn vệ sinh và sát trùng vết thương thường xuyên để tránh bị nhiễm trùng. Sau khi thực hiện sinh thiết hạch, người bệnh hoàn toàn có thể sinh hoạt, làm việc, hoạt động thể thao bình thường.

sinh-thiet-hach-va-nhung-dieu-can-biet 3.webp

>>>>>Xem thêm: Cách xử lý khi vết bỏng bô xe máy bị phồng

Sau sinh thiết hạch, nếu cảm thấy đau quá mức chịu đựng, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau

Các nguy cơ có thể gặp khi thực hiện sinh thiết hạch

Mặc dù phương pháp sinh thiết hạch tương đối an toàn, rủi ro thấp nhưng đây là thủ thuật xâm lấn vẫn có thể có những biến chứng xảy ra. Dưới đây là một số biến chứng:

  • Chảy máu hoặc tụ máu tại chỗ sinh thiết: Khi bóc tách các hạch nằm gần hay dính vào mạch máu có thể vô tình gây chảy máu. Vì vậy yêu cầu chuyên viên phẫu thuật phải thật cẩn thận khi thực hiện.
  • Nhiễm trùng: Vệ sinh vết mổ không sạch sẽ có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ, đau nặng hơn. Lúc này bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị sớm.
  • Tổn thương dây thần kinh: Vị trí bóc tách hạch sẽ có nhiều dây thần kinh, vì vậy cần cẩn thận khi thực hiện.

Thông qua bài viết hy vọng đã giúp bạn đã có thêm những kiến thức cơ bản về thủ thuật sinh thiết hạch. Đây là phương pháp được sử dụng để xác định sớm một số tình trạng bệnh lý, cho biết mức độ tiến triển của bệnh và hỗ trợ bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể trên từng bệnh nhân. Hy vọng với những giá trị mà phương pháp này mang lại có thể hỗ trợ phát hiện và điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *