Phản xạ Hoffmann, còn được gọi là dấu hiệu Hoffman, nhằm giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề tiềm ẩn về chèn ép hay tổn thương tủy sống. Phản xạ Hoffmann là một phản xạ bất thường biểu hiện bằng động tác co giật ngón trỏ và ngón cái khi ấn vào móng tay giữa.
Bạn đang đọc: Phản xạ Hoffmann là gì? Ý nghĩa của kết quả phản xạ Hoffmann
Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng đi sâu vào việc tìm hiểu về phản xạ Hoffmann – một khía cạnh quan trọng của hệ thống thần kinh, đồng thời khám phá tầm quan trọng và ứng dụng của nó trong việc đánh giá sức khỏe và chẩn đoán y học.
Contents
Phản xạ Hoffmann là gì?
Phản xạ Hoffmann, được đặt theo tên của nhà thần kinh học người Đức Johann Hoffmann, người đầu tiên đưa ra phản xạ này. Nó được trợ lý của ông là Hans Curschmann mô tả vào năm 1911 và đã trở thành một phần trong thăm khám thần kinh thông thường.
Phản xạ được kích hoạt thông qua một chuyển động cụ thể liên quan đến việc búng mạnh vào móng tay hoặc đầu ngón tay của ngón giữa. Dấu hiệu Hoffman dương tính xảy ra khi ngón tay cái hoặc ngón trỏ co giật một cách không chủ ý. Con đường phản xạ làm cho ngón tay cái gập cong và khép lại nhanh chóng. Phản xạ Hoffmann dương tính cho thấy tổn thương nơron vận động trên và rối loạn chức năng đường dẫn truyền vỏ não – tủy sống, có thể do chèn ép tủy cổ. Tuy nhiên, có tới 3% dân số được phát hiện có Hoffman dương tính mà không bị chèn ép tủy sống hoặc bệnh lý nơron vận động trên.
Mặc dù phản xạ Hoffmann là một nghiệm pháp thần kinh phổ biến, được khuyến nghị sử dụng cho những người bệnh có triệu chứng rối loạn thần kinh, nhưng nó thường hữu ích nhất trong việc xác định các rối loạn nơron vận động trên như bệnh đa xơ cứng hay thiếu vitamin B12.
Mối liên hệ giữa phản xạ Hoffmann và bệnh lý tủy cổ
Bệnh lý tủy cổ là một rối loạn chức năng tủy sống có thể dẫn đến tê, đau, mất thăng bằng, mất cảm giác, tăng phản xạ và tiểu tiện không tự chủ. Trong tiêu chuẩn khám thần kinh, phản xạ Hoffmann dương tính có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý này.
Mặc dù phản xạ Hoffmann có thể là một công cụ sàng lọc hữu ích, nhưng nó không đáng tin cậy nếu chỉ là một yếu tố chẩn đoán độc lập về tình trạng chèn ép tủy sống. Một đánh giá hệ thống năm 2018 về công dụng của phản xạ Hoffmann trong chẩn đoán bệnh lý tủy cổ đã nhận thấy không đủ dữ liệu để chứng minh việc chỉ sử dụng nghiệm pháp này có thể xác nhận hoặc loại bỏ chẩn đoán bệnh lý tủy cổ. Như vậy, các bác sĩ lâm sàng không thể chỉ dựa vào nó để chẩn đoán về tình trạng chèn ép tủy sống.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý tủy cổ là MRI. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những tổn thương chèn ép tủy sống trên MRI tương quan với 67% những người có phản xạ Hoffmann dương tính. Phản xạ này dương tính không phải lúc nào cũng là biểu hiện của tình trạng chèn ép tủy. Nhưng khi nó hiện diện cùng với các hình ảnh tổn thương tương ứng trên MRI cho thấy rằng nếu mức độ chèn ép tủy sống càng nhiều thì tỷ lệ xuất hiện phản xạ Hoffmann dương tính càng cao hơn.
Mối liên hệ giữa phản xạ Hoffmann và bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng (MS) là một tình trạng tự miễn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công bao myelin, lớp vỏ bảo vệ các sợi thần kinh của bạn. Vì phản xạ Hoffmann được kích hoạt do rối loạn chức năng tủy sống nên nó có thể dương tính ở những người mắc MS.
Tất nhiên, bản thân nghiệm pháp chỉ là một công cụ để chẩn đoán bệnh đa xơ cứng. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá các triệu chứng của bạn, các triệu chứng này khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của tổn thương. Thông thường, người bệnh biểu hiện triệu chứng trong một thời gian ngắn, sau đó các triệu chứng sẽ thuyên giảm và biến mất.
Một số triệu chứng phổ biến của MS bao gồm:
- Chóng mặt;
- Mệt mỏi;
- Yếu cơ;
- Vấn đề về kiểm soát bàng quang;
- Cảm giác ngứa ran ở các bộ phận khác nhau của cơ thể;
- Vấn đề về thị lực.
Tìm hiểu thêm: Sử dụng muỗi cấy vi khuẩn để ngăn ngừa lây nhiễm sốt xuất huyết
Phản xạ Hoffmann được thực hiện như thế nào?
Phản xạ Hoffmann không yêu cầu bất kỳ thiết bị hoặc sự chuẩn bị đặc biệt nào đối với người thực hiện. Các bước thực hiện cụ thể như sau:
- Bác sĩ sẽ giữ bàn tay và yêu cầu bạn thả lỏng các ngón tay để chúng cong tự nhiên.
- Sau đó, bác sĩ sẽ giữ ngón giữa của bạn ở đốt ngón tay trên cùng.
- Bác sĩ sử dụng ngón tay cái của họ để ấn mạnh hoặc búng vào móng tay giữa của bạn.
- Động tác ấn hoặc búng nhẹ có thể sẽ khiến ngón tay của bạn gập và duỗi ngay lập tức. Điều này dẫn đến sự kéo căng của các cơ gấp ở ngón tay, từ đó khiến ngón trỏ và ngón cái của bạn bị gập lại một cách không chủ ý.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra nhiều lần trên cả hai tay để đảm bảo rằng phản ứng ở mỗi lần là như nhau và để xem liệu đáp ứng thần kinh tương tự có xuất hiện ở cả hai bên cơ thể hay không, cho thấy có thể có vấn đề về thần kinh hai bên.
Ý nghĩa của kết quả phản xạ Hoffmann
Kết quả dương tính xảy ra khi ngón trỏ và ngón cái gập nhanh sau khi tác động vào móng tay giữa. Kết quả âm tính được ghi nhận khi ngón trỏ và ngón cái không cử động.
Phản xạ Hoffmann dương tính có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng thần kinh vận động trên hoặc rối loạn chức năng đường dẫn truyền vỏ não – tủy sống do chèn ép tủy cổ. Nếu chỉ một tay dương tính thì điều đó cho thấy rối loạn chức năng chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.
Tuy nhiên, phản xạ Hoffmann dương tính không chứng tỏ bạn mắc bệnh đa xơ cứng hay bệnh lý tủy cổ. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia, khoảng 3% dân số được cho là có dấu hiệu Hoffmann dương tính mặc dù họ không có bất kỳ rối loạn chức năng thần kinh nào. Ngoài ra, các tình trạng khác cũng có thể gây ra phản xạ Hoffmann dương tính, bao gồm:
- Bệnh xơ cứng một bên (ALS);
- Lo lắng;
- Bệnh cường giáp;
- Khối u.
>>>>>Xem thêm: Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Như vậy, phản xạ Hoffmann là một phản xạ không chủ ý của ngón trỏ và ngón cái xảy ra do tác động vào ngón giữa. Phản xạ Hoffmann dương tính có thể là dấu hiệu của bệnh lý tủy sống, hoặc các tình trạng bệnh lý khác. Tuy nhiên, kết quả của nghiệm pháp Hoffmann không phải lúc nào cũng chính xác và cần được xác nhận lại bằng các xét nghiệm hình ảnh học khác như MRI.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể