Trái tim của người gồm có 4 ngăn. Trong đó, 2 ngăn trên là 2 tâm nhĩ, 2 ngăn dưới là 2 tâm thất. Bạn đã biết tâm nhĩ là gì và có những bệnh lý nào thường xảy ra với tâm nhĩ chưa?
Bạn đang đọc: Tâm nhĩ là gì? Các bệnh lý thường gặp ở tâm nhĩ
Ở người, một trái tim khỏe mạnh, không dị tật sẽ có 4 ngăn. Hai ngăn phía dưới là tâm thất phải và tâm thất trái. Còn hai ngăn phía bên trên là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. Trong bài viết này, Kenshin sẽ cùng bạn tìm hiểu tâm nhĩ là gì và các bệnh lý thường gặp ở tâm nhĩ.
Contents
Tâm nhĩ là gì?
Tâm nhĩ là buồng trên của tim, gồm 2 khoang là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. Tâm nhĩ trái nhận máu từ tuần hoàn phổi, còn tâm nhĩ phải nhận máu từ tuần hoàn tĩnh mạch. Tâm nhĩ phải nhận máu ít oxy từ tĩnh mạch chủ trên và dưới, rồi tống máu xuống tâm thất phải qua van ba lá sau đó bơm đến động mạch phổi. Tâm nhĩ trái nhận máu nhiều oxy từ các tĩnh mạch phổi trái và phải, sau đó truyền máu xuống tâm thất trái qua van hai lá, rồi bơm qua động mạch chủ để đưa máu vào tuần hoàn hệ thống.
Trong một chu chuyển tim, tâm nhĩ đảm nhận 3 chức năng:
- Là buồng nhận máu trong thì tâm thu.
- Chức năng bơm máu thụ động vào tâm thất trong thì đầu tâm trương.
- Chức năng bơm máu tăng cường ở thì cuối tâm trương.
Các bệnh lý thường gặp ở tâm nhĩ
Không phải ai trong chúng ta cũng có một trái tim khỏe mạnh. Có những người bị dị tật tim bẩm sinh ngay từ khi sinh ra. Có những người bị bệnh tim trong quá trình trưởng thành và lão sau này. Có rất nhiều bệnh lý về tim, trong đó, những bệnh liên quan đến tâm nhĩ phổ biến nhất có thể kể đến như:
Bệnh rung nhĩ
Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim khá thường gặp. Bệnh xảy ra khi các xung động điện học xuất phát từ các vị trí khác nhau ở tâm nhĩ một cách vô tổ chức. Tình trạng này khiến tâm nhĩ mất trạng thái co bóp nhịp nhàng và đồng bộ thay vào đó là trạng thái rung. Theo các chuyên gia, rung nhĩ là nguyên nhân chính gây đột quỵ não.
Triệu chứng của người mắc bệnh rung nhĩ thường là: Trống ngực đánh liên hồi, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, choáng váng, chóng mặt, biểu hiện là nhịp tim và mạch đập không đều. Có những bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ, lại có người bệnh không biểu hiện triệu chứng nào.
Để chẩn đoán rung nhĩ, bác sĩ có thể bắt mạch cổ tay, đo điện tim đồ, theo dõi điện tim 24 giờ, siêu âm tim và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu khác theo chỉ định của bác sĩ. Phương pháp điều trị rung nhĩ hiện nay là dùng thuốc hoặc đốt nút nhĩ thất để kiểm soát tần số tim. Người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện đồng bộ, triệt đốt cơ chất gây rung nhĩ.
Ngoại tâm thu nhĩ
Ngoài tìm hiểu tâm nhĩ là gì, chúng ta cũng nên biết thêm về các bệnh tâm nhĩ thường gặp như ngoại tâm thu nhĩ. Ngoại tâm thu nhĩ là tình trạng nhịp tim đến sớm hơn bình thường. Nguyên nhân đến từ việc có các tín hiệu điện bất thường phát ra từ các vị trí khác nhau của tâm nhĩ. Bệnh này hiếm khi biểu hiện triệu chứng, đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy đánh trống ngực. Bệnh có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh. Người lớn tuổi, người có bệnh về phổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Khi ai đó được chẩn đoán mắc bệnh ngoại tâm thu nhĩ, họ sẽ cảm thấy khá hoang mang, lo lắng. Nhưng theo các chuyên gia, trong hầu hết trường hợp bệnh này là lành tính và thường không tiềm ẩn nguy hiểm ở giai đoạn đầu. Bác sĩ có thể phát hiện bệnh qua khám lâm sàng và đo điện tâm đồ. Với căn bệnh này, chỉ khi những cơn ngoại thu tâm nhĩ xảy ra quá thường xuyên và cơn đánh trống ngực quá sức chịu đựng thì người bệnh mới cần dùng thuốc chống rối loạn nhịp.
Tìm hiểu thêm: Các biến chứng u xơ tử cung thoái hóa
Thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ là bệnh tim bẩm sinh, xảy ra khi có lỗ thông ở vách phân chia 2 buồng tâm nhĩ. Lỗ thông nhỏ thường không gây triệu chứng. Lỗ thông này có thể tự đóng trong những năm đầu đời của trẻ. Nếu lỗ thông liên nhĩ lớn và không thể tự đóng có thể gây tổn thương tim, phổi.
Có những người trưởng thành vẫn không phát hiện ra bệnh tim bẩm sinh này cho đến khi có triệu chứng tăng áp lực động mạch phổi và suy tim. Một số triệu chứng khác bệnh nhân cũng có thể gặp phải như mệt mỏi, thở gấp khi vận động, phù chân hoặc bụng… Để ngăn ngừa biến chứng, người bệnh cần được phẫu thuật đóng lỗ thông liên nhĩ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng như: Hội chứng Eisenmenger, suy tim, hở van tim, nhịp tim bất thường, viêm phổi, đột quỵ…
Nguyên nhân gây bệnh thông liên nhĩ chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bệnh có liên quan đến rối loạn về gen, yếu tố di truyền. Ngoài ra, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh này nếu trong quá trình mang thai người mẹ nhiễm Rubella, dùng rượu, thuốc lá hay ma túy, mắc bệnh tiểu đường hoặc lupus ban đỏ, mắc bệnh Phenylketo niệu hay thừa cân béo phì…
>>>>>Xem thêm: Bàn tay son có phải dấu hiệu cảnh báo bệnh gan không?
Cách dự phòng các bệnh lý tâm nhĩ
Tâm nhĩ là gì và các bệnh lý về tâm nhĩ thường gặp đến đây bạn đã rõ. Vậy có cách nào để dự phòng cách bệnh lý về tâm nhĩ không? Theo các chuyên gia, trong hầu hết trường hợp bệnh không thể dự phòng được. Đối với phụ nữ mang thai cần khám sàng lọc kỹ càng trước khi mang thai gồm:
- Phụ nữ trước khi mang thai cần xét nghiệm miễn dịch đối với Rubella và cần tiêm ngừa vacxin Rubella nếu chưa có miễn dịch.
- Nếu gia đình có tiền sử mắc các rối loạn di truyền hay bệnh tim bẩm sinh phụ nữ cần cho bác sĩ biết để được tư vấn về nguy cơ trước khi quyết định có thai và được hướng dẫn cách sàng lọc giảm nguy cơ hiệu quả.
- Trước khi có thai, nếu uống bất kỳ loại thuốc điều trị nào bạn cũng nên trình bày với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc nguy cơ tác dụng phụ của thuốc đối với thai kỳ, tư vấn thay thế hoặc ngừng thuốc điều trị trước khi mang thai nếu cần thiết.
- Bà bầu cần theo dõi sức khỏe cẩn thận khi mang thai, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng qua bài viết trên đây bạn đã biết tâm nhĩ là gì, bệnh thường gặp ở tâm nhĩ cũng như cách dự phòng các bệnh về tâm nhĩ. Bệnh về tâm nhĩ có thể là một dị tật bẩm sinh hoặc không, có thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc không. Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc các bệnh này nhưng hoàn toàn có cách để kiểm soát và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể