Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Một nghiên cứu năm 2021 báo cáo rằng tỉ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ toàn cầu là 14,7%. Việc phòng ngừa và chẩn đoán sớm đái tháo đường thai kỳ là rất quan trọng.
Bạn đang đọc: Tiểu đường thai kỳ: Dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung chính
- Tìm hiểu chung
- Triệu chứng
- Nguyên nhân
- Nguy cơ
- Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
- Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Contents
Tìm hiểu chung
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ (còn gọi là tiểu đường thai kỳ) là tình trạng bệnh lý do bất dung nạp đường huyết, khiến lượng đường trong máu cao ở phụ nữ có thai.
Năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại tình trạng tăng đường huyết phát hiện lần đầu ở phụ nữ có thai thành hai nhóm gồm:
- Đái tháo đường mang thai (diabetes in pregnancy): Thai phụ có mức đường huyết đạt tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường, được phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ và không mất đi sau khi sinh con.
- Đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus): Thai phụ có mức đường huyết đạt tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, được phát hiện trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, thường phát hiện nhiều nhất từ tuần thứ 24 đến 28 và tự khỏi sau khi sinh con. Bệnh lý này xảy ra ở 5% phụ nữ có thai.
Triệu chứng
Triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt. Hầu hết trường hợp được bác sĩ phát hiện khi lượng đường huyết của bạn cao trong quá trình sàng lọc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Một số thai phụ có thể xuất hiện các triệu chứng sau khi đường huyết của họ tăng quá cao:
- Khát nước nhiều, liên tục;
- Tiểu nhiều;
- Khô miệng;
- Mệt mỏi;
- Mờ mắt;
- Ngứa vùng âm hộ, khí hư nhiều, mùi hôi.
Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ bất lợi cho cả mẹ và thai nhi. Đối với thai phụ, đái tháo đường thai kỳ gây một số biến chứng như:
- Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Bệnh lý này có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho cả mẹ và thai nhi như đột quỵ, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển, sinh non, thậm chí là tăng tỉ lệ tử vong chu sinh.
- Tăng nguy cơ mổ lấy thai: Thai nhi phát triển to hơn nên khó khăn trong việc sinh thường, cần phải chỉ định sinh mổ.
- Đa ối: Là tình trạng nước ối quá nhiều, có thể gây đau nhiều trước khi sinh, chuyển dạ sớm.
- Tăng nguy cơ sinh non: Sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
- Tăng nguy cơ sảy thai và thai lưu.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai: Phụ nữ có thai mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường tuýp 2 sau 5 – 10 năm. Khoảng 45% thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc lại bệnh lý này ở thai kỳ sau.
Đối với thai nhi, đái tháo đường thai kỳ cũng có các tác động bất lợi như:
- 3 tháng đầu thai kỳ: Thai không phát triển, thai lưu, dị tật bẩm sinh.
- 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: Thai tăng trưởng quá mức, thai to.
- Đối với trẻ sơ sinh: Tử vong ngay sau sinh, hạ đường huyết, bệnh lý đường hô hấp, vàng da sơ sinh, tăng hồng cầu, mắc một số dị tật bẩm sinh (não úng thủy, dị tật thần kinh, tim, thận,…).
- Trẻ sinh ra bởi mẹ có đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị béo phì, đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai, rối loạn phát triển tâm vận.
Xem thêm: Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi có thể thai phụ không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết giúp đưa đường từ máu vào trong tế bào sử dụng hoặc có bất thường trong việc sử dụng insulin.
Trong quá trình mang thai, một lượng lớn hormone được sản xuất ra trong thai kỳ như hormone nhau thai (hPL), prolactin, leptin và cortisol làm tăng đề kháng insulin hoặc giảm sản xuất insulin.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ?
Thai phụ có thể có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ nếu thuộc các nhóm đối tượng sau:
- Đa thai;
- Mang thai sau 35 tuổi;
- Tăng huyết áp thai kỳ;
- Hội chứng buồng trứng đa nang;
- Đường niệu (glucose niệu) dương tính.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
Thai phụ có thể có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ nếu có các yếu tố sau:
- Có tiền sử bất thường dung nạp đường máu;
- Tiền sử gia đình có người thân mắc đái tháo đường;
- Có tình trạng thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai;
- Lối sống tĩnh tại ít hoạt động thể dục thể thao;
- Tăng cân không kiểm soát trong quá trình mang thai;
- Sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg trong lần mang thai trước;
- Trong lần mang thai trước thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ;
- Tiền sử sản khoa từng có thai lưu không rõ nguyên nhân, sinh non, tiền sản giật, thai dị tật bẩm sinh.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Tầm soát đái tháo đường thai kỳ
Tất cả phụ nữ có thai đều cần được tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Đây là thời điểm tốt nhất để phát hiện và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
Nếu thai phụ có tăng đường huyết vào đầu thai kỳ sẽ được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường với tiêu chuẩn chẩn đoán như những người không mang thai. Nếu kết quả âm tính, bác sĩ sẽ tiếp tục tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thứ 24 – 28.
Xem thêm: Hướng dẫn cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà
Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán
Xét nghiệm chẩn đoán xác định đái tháo đường thai kỳ là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dặn dò bạn một số lưu ý sau:
- Trong 3 ngày trước khi tiến hành xét nghiệm, thai phụ không ăn uống kiêng khem và cũng không bổ sung quá nhiều thực phẩm chứa chất đường bột (carbohydrate).
- Nhịn đói từ 8 đến 12 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm, không nhịn quá 14 giờ.
Các bước tiến hành xét nghiệm như sau:
- Kỹ thuật viên xét nghiệm hoặc điều dưỡng tiến hành lấy máu để định lượng đường huyết lúc đói.
- Thai phụ được uống một ly nước đường tương đương với 75 gram glucose, uống trong vòng 5 phút.
- Kỹ thuật viên xét nghiệm hoặc điều dưỡng tiến hành lấy máu tại thời điểm 1 giờ sau uống và 2 giờ sau uống nước đường để định lượng đường huyết sau dung nạp glucose.
- Trong thời gian thực hiện nghiệm pháp, thai phụ không được ăn hay uống gì thêm, ngồi nghỉ ngơi tại chỗ hoặc đi lại nhẹ nhàng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ theo WHO (2013) khi có ít nhất 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
- Glucose huyết lúc đói ≥ 5,1 mmol/L (hoặc ≥ 92 mg/dL) và/hoặc;
- Glucose huyết sau 1 giờ ≥ 10,0 mmol/L (hoặc ≥ 180 mg/dL) và/hoặc;
- Glucose huyết sau 2 giờ ≥ 8,5 mmol/L (hoặc ≥ 153 mg/dL).
Xem thêm: Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Điều trị đái tháo đường hiệu quả
Đái tháo đường thai kỳ được chia làm hai loại, gồm:
- Đái tháo đường thai kỳ A1: Dùng để chỉ bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát thông qua các phương pháp không dùng thuốc.
- Đái tháo đường thai kỳ A2: Dùng để chỉ bệnh đái tháo đường thai kỳ cần dùng thêm insulin hoặc thuốc uống để kiểm soát bệnh.
Mục tiêu điều trị đái tháo đường thai kỳ là đưa lượng đường huyết về càng gần giá trị bình thường càng tốt, nhưng cũng phải kiểm soát nguy cơ hạ đường huyết. Đường huyết được kiểm soát tốt với mục tiêu:
- Glucose huyết lúc đói: 90 – 95 mg/dL;
- Glucose huyết 1 giờ sau ăn: 140 mg/dL;
- Glucose huyết 2 giờ sau ăn: 120 mg/dL.
Sau khi được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị cho thai phụ nhằm kiểm soát đường huyết. Chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao phù hợp là phương pháp được áp dụng cho tất cả thai phụ có đái tháo đường thai kỳ. Chế độ ăn và hoạt động thể lực sẽ được cá nhân hóa dựa trên thói quen, mức đường huyết và thể lực của thai phụ. Cụ thể là:
- Chia nhỏ lượng thức ăn trong ngày thành 3 bữa ăn chính nhỏ và 2-3 bữa ăn nhẹ, ăn cùng một thời điểm mỗi ngày. Tránh các bữa ăn phụ với quà bánh vặt, thay thế bằng trái cây ít ngọt, rau hoặc ngũ cốc nguyên hạt, lưu ý định lượng khẩu phần ăn.
- Chế độ ăn đáp ứng đủ theo tỷ lệ carbohydrate, protein là 4:2. Hạn chế hấp thụ chất béo dưới 40% lượng calo mỗi ngày, chú ý nhóm chất béo bão hòa ít hơn 10% tổng lượng chất béo thai phụ tiêu thụ.
- Sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường thấp. Ưu tiên các loại carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, gạo lật nảy mầm.
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và bé.
- Không sử dụng đường tinh luyện.
- Ưu tiên các phương pháp chế biến như hấp, luộc, đút lò thay cho chiên, xào ở nhiệt độ cao.
- Hạn chế tối đa các thực phẩm làm tăng nhanh đường huyết sau ăn như bánh, kẹo, mứt, kem, trái cây sấy khô, chè,…
- Tập luyện thể dục thể thao cần tham vấn ý kiến bác sĩ. Vận động 30 phút mỗi ngày với các động tác có cường độ từ nhẹ đến vừa như đi bộ, bơi lội,…
Nếu các biện pháp không dùng thuốc kiểm soát đường huyết không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành thay đổi chiến lược điều trị, phối hợp thêm thuốc uống hoặc insulin cho thai phụ.
>>>>>Xem thêm: Thông tim là gì? Khi nào cần thông tim?
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì vào bữa sáng
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của đái tháo đường thai kỳ
Chế độ sinh hoạt
- Hoạt động thể lực thích hợp: Dành 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất, tham vấn ý kiến bác sĩ về các bài tập phù hợp với mẹ bầu.
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh stress.
- Khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để tầm soát đái tháo đường và các vấn đề thai sản khác.
Chế độ dinh dưỡng:
- Lựa chọn nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Thực phẩm dinh dưỡng giàu chất xơ, ít chất béo xấu, lượng calo phù hợp như rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn của thai, cần giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
Phương pháp phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ hiệu quả
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ tuyệt đối. Nếu bạn đã mắc đái tháo đường trước khi mang thai, hãy kiểm soát tốt đường huyết dưới sự hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. Duy trì một lối sống lành mạnh trước và trong quá trình mang thai, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ của bạn sẽ giảm đáng kể.
Xem thêm:
- Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?
- Chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm?
- Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân?
Nguồn tham khảo
- https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/pregnancy-complicated-by-disease/diabetes-mellitus-in-pregnancy
- Saeedi M., Cao Y., Fadl H., Gustafson H., Simmons D. Increasing prevalence of gestational diabetes mellitus when implementing the IADPSG criteria: A systematic review and meta-analysis. Diabetes Res Clin Pract. 2021;172:108642. doi: 10.1016/j.diabres.2020.108642.
- Zaccara, T.A., Paganoti, C.F., Mikami, et al. WHO criteria for diabetes in pregnancy: a retrospective cohort. BMC Pregnancy Childbirth. 2022;22(1):385. doi: 10.1186/s12884-022-04708-w.
Các bệnh liên quan
-
Jet lag
-
Phình mạch máu não
-
Ung thư hạch
-
Sán dây bò
-
Hôi nách
-
Suy tim mạn tính
-
Sốt
-
Nóng trong người
-
Nhiễm khuẩn Listeria
-
đau xương cụt