Trong giai đoạn tuổi dậy thì, một số bạn nữ có thể gặp phải trường hợp bị vô kinh thứ phát, tức là đột ngột không có kinh nguyệt trong một thời gian. Vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì khá nguy hiểm đối với sức khỏe nếu như không có biện pháp can thiệp, điều trị.
Bạn đang đọc: Vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì là như thế nào?
Vậy, vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì là như thế nào? Tình trạng này có nguy hiểm không? Để hiểu rõ hơn về tình trạng vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin bổ ích.
Vô kinh thứ phát là gì?
Vô kinh thứ phát là tình trạng bạn đã có hành kinh trước đó nhưng lại bị mất kinh một cách đột ngột trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng. Vô kinh thứ phát thường xảy ra vào một số thời điểm nhất định như giai đoạn dậy thì, trong thai kỳ, giai đoạn cho con bú và thời kỳ mãn kinh.
Vô kinh thứ phát là tình trạng rối loạn kinh nguyệt xảy ra khá phổ biến, thường gặp hơn vô kinh nguyên phát (qua 16 tuổi mới có kinh nguyệt lần đầu tiên). Theo các số liệu được thống kê, tần số ca vô kinh thứ phát chiếm tới 4%, trong khi đó vô kinh nguyên phát chỉ có 1% ở đối tượng là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản.
Nguyên nhân gây ra vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì
Vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì có thể do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
- Cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng: Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn tuổi dậy thì gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe. Suy dinh dưỡng khiến cho các chức năng của tuyến dưới đồi và tuyến yên bị ảnh hưởng, dẫn tới vô kinh.
- Căng thẳng: Đối mặt với những căng thẳng, áp lực trong học tập ở tuổi dậy thì sẽ khiến cho nồng độ hormone trong cơ thể bị ảnh hưởng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng vô kinh.
- Luyện tập thể dục quá sức: Vô kinh chức năng vùng dưới đồi cũng có thể do bạn đã luyện tập thể dục quá sức. Rất nhiều nguồn tin uy tín đã chỉ ra, phụ nữ luyện tập thể dục quá sức thường bị rối loạn kinh nguyệt nhẹ.
- Bị rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống tạo nên cảm giác chán ăn hoặc khiến người bệnh ăn một cách vô độ, không có kiểm soát. Từ đó, cơ thể quá ít hoặc quá nhiều chất béo có thể làm cho kinh nguyệt ra chậm hoặc thậm chí là ngừng ra.
- Tăng cân nhanh chóng: Tăng cân quá mức một cách nhanh chóng cũng có thể gây vô kinh thứ phát.
- Thuốc điều trị tâm thần: Một số các loại thuốc như thuốc ổn định tâm trạng hay thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng tới chức năng của vùng đồi dưới và tuyến yên. Kinh nguyệt có thể bị ngừng lại nếu như không đúng mức nội tiết tố.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng 6 – 8% phụ nữ trên toàn thế giới. Hội chứng này gây ra một loạt các biểu hiện như vô kinh thứ phát, kinh nguyệt không đều, tăng cân, nổi nhiều mụn và khó mang thai.
- Suy buồng trứng sớm: Là tình trạng buồng trứng không còn hoạt động bình thường trước 40 tuổi. Suy buồng trứng sớm không làm mất hoàn toàn kinh nguyệt như thời kỳ mãn kinh mà chỉ gây chậm kinh.
- Dị tật đường sinh dục: Là khi bộ phận sinh dục gặp phải những vấn đề bất ổn về cấu trúc gây ra hiện tượng không có kinh hoặc máu kinh khó được đẩy hết ra ngoài âm đạo. Dị tật màng trinh không có lỗ mở đóng là dị tật thường gặp ở bộ phận sinh dục, khiến cho máu kinh không thể ra ngoài trong kỳ kinh nguyệt.
- Vấn đề về tuyến yên: Tuyến yên có chức năng tiết ra các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì thế, nếu tuyến yên gặp các vấn đề và không thể hoạt động tốt thì kinh nguyệt cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến vô kinh.
Như bạn đọc có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng vô kinh thứ phát. Nếu nghi ngờ mình có dấu hiệu của vô kinh thứ phát, bạn đọc nên đi thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng cơ thể đang mắc phải và từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Hiện tượng gò tử cung khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
Điều trị vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì
Điều trị vô kinh thứ phát sẽ theo hướng điều trị trực tiếp vào rối loạn căn nguyên. Nếu như vô kinh thứ phát là do những thay đổi sinh lý hoặc rối loạn nội tiết tạm thời thì không cần can thiệp quá nhiều, việc cần làm là chờ đợi cơ thể tự hồi phục.
Còn ngược lại, nếu vô kinh thứ phát do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc hoặc do bệnh lý thì cần ngưng sử dụng loại thuốc gây ra những tác dụng phụ đó và điều trị bệnh lý đang mắc phải gây ra chứng vô kinh.
Bác sĩ cũng có thể thực hiện loại bỏ mô sẹo và các tổn thương tử cung khác nếu như chúng là nguyên nhân gây vô kinh thứ phát.
Ngoài ra, những bạn gái đang trong độ tuổi dậy thì cần lưu ý, tập thể dục điều độ và giữ cân nặng ở mức hợp lý, ăn uống đầy đủ chất, không sử dụng bừa bãi các loại thuốc nội tiết, thuốc tránh thai để phòng ngừa tình trạng vô kinh thứ phát tuổi dậy thì.
>>>>>Xem thêm: Những cách trị sẹo lồi bằng phương pháp dân gian hiệu quả, dễ thực hiện
Vô kinh thứ phát ở tuổi dậy thì không phải là một vấn đề đơn giản. Các bậc phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến con em mình để kịp thời nắm bắt tình trạng sức khỏe và có những can thiệp điều trị khi cần thiết. Tình trạng kinh nguyệt trong độ tuổi dậy thì sẽ phản ánh một phần khả năng sinh sản sau này, do đó, khi thấy bất cứ biểu hiện bất thường nào, hãy đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.
Xem thêm:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 10 ngày có sao không?
- Kinh nguyệt đến sớm nguyên nhân do đâu, có sao không?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể