Nếu trước đây bạn phải chịu một vết rạch dài khoảng 12cm khi thực hiện mổ mở u thận thì hiện nay nhiều người bệnh đã được áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt u thận tiên tiến. Vậy bạn biết gì về phương pháp phẫu thuật này?
Bạn đang đọc: Những điều cần biết về phương pháp phẫu thuật nội soi cắt u thận
Phương pháp phẫu thuật nội soi cắt u thận không chỉ giúp cắt bỏ khối u hoàn toàn, rút ngắn thời gian điều trị cũng như giảm bớt đau đớn mà còn giúp bảo tồn chức năng thận một cách hiệu quả. Trước khi tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật này, hãy cùng Kenshin điểm qua một vài thông tin cơ bản xoay quanh u thận bạn nhé.
Contents
Tổng quan về u thận
Khối u ở thận xuất hiện khi có sự phát triển bất thường trong nhu mô thận. Khối u này có thể là u lành tính hoặc u ác tính, song trên thực tế, hầu hết các khối u thận đều là ác tính, chỉ có khoảng 25% là khối u lành tính.
Xét về mặt kích thước, các khối u thận có kích thước nhỏ thường là u lành tính. Ngược lại, u thận cành lớn thì nguy cơ ung thư càng cao.
Xét về tốc độ phát triển, khối u lành tính thường phát triển chậm còn các khối u ác tính thường hình thành, phát triển và lây lan rất nhanh.
Hầu hết các khối u ở thận đều được phát hiện từ khi khối u còn nhỏ và khu trú, điều này có nghĩa khối u phát triển tại chỗ, có vỏ bọc rõ và chưa lan ra xung quanh. Theo thống kê, có khoảng 40% trường hợp ung thư thận là khối u khu trú.
Hiện nay, khối u thận ác tính phát triển qua 4 giai đoạn, cụ thể:
- Giai đoạn 1: Khối u khu trú trong thận và người bệnh không có triệu chứng lâm sàng.
- Giai đoạn 2: Tuy vẫn đang khu trú trong thận, song khối u dẫn phát triển và người bệnh lúc này bắt đầu có những biểu hiện nhất định.
- Giai đoạn 3: Khối u bắt đầu xâm lấn sang các vùng lân cận và người bệnh có những triệu chứng lâm sàng rõ rệt.
- Giai đoạn 4: Khối u di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể từ đó gây đau đớn, lâu dần người bệnh sẽ suy kiệt, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây u thận ác tính vẫn đang là một câu hỏi lớn đối với nền y học. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u thận bao gồm:
- Di truyền: Hội chứng von Hippel – Lindau, hội chứng Birt – Hogg – Dube, bệnh xơ hóa củ…
- Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Thường xuyên hút thuốc lá, ăn uống thiếu khoa học, lười vận động…
- Thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất độc hại.
- Người mắc bệnh thận phải lọc máu và đối tượng thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau trong một thời gian dài.
Phẫu thuật nội soi cắt u thận là gì?
Các bác sĩ chuyên khoa nhận định phẫu thuật nội soi cắt u thận là phương pháp điều trị tiêu chuẩn được khuyến cáo để loại bỏ khối u còn khu trú nhưng nghi ngờ ung thư. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn và đặc biệt sau phẫu thuật chức năng của thận vẫn được bảo tồn mà hiệu quả điều trị mang lại không khác gì so với mổ mở.
Mục đích của phẫu thuật nội soi cắt u thận là loại bỏ phần thận có chứa khối u nghi ngờ là u thận ác tính. Thông qua 3 – 5 vết mổ nhỏ trên thành bụng của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa một ống kính nội soi và dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng vào khoang bụng để cắt bỏ phần thận có khối u.
Cũng giống như các phẫu thuật nội soi ổ bụng khác, phương pháp này chống chỉ định với những đối tượng không phù hợp với gây mê toàn thân, người bị rối loạn đông máu chưa kiểm soát, người mắc bệnh tim mạch và sốc giảm thể tích.
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, phẫu thuật nội soi cắt u thận không chỉ được thực hiện với các kỹ thuật viên mà còn có sự trợ giúp của robot.
Ngoài ra, hệ thống phẫu thuật nội soi công nghệ 4K và 3D với hình không gian nổi giúp cho các góc khuất giải phẫu trở nên rõ nét hơn, phóng đại các vi mạch nhỏ, tập trung được dụng cụ phẫu thuật vào mục tiêu chính đồng thời hạn chế gây tổn thương mô lành xung quanh.
Điều này giúp cho một phẫu thuật phức tạp và đặc biệt như phẫu thuật nội soi cắt u thận được tiến hành chính xác với thao tác nhanh chóng, thuận lợi, an toàn.
Quy trình phẫu thuật nội soi cắt u thận
Phẫu thuật nội soi cắt u thận cơ bản được thực hiện theo quy trình sau đây:
Chuẩn bị trước phẫu thuật
Trước phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể sức khỏe tổng quát và tình trạng bệnh của người bệnh, đặc biệt chú ý:
- Vật được cấy ghép như khớp nhân tạo, stent, van tim hay máy tạo nhịp tim… (nếu có).
- Các loại thuốc người bệnh đang sử dụng, chú ý đến các loại thuốc có thể gây loãng máu như Aspirin, Rivaroxaban, Clopidogrel, Dabigatran hay Warfarin…
- Tiền sử đã hoặc đang có tình trạng nhiễm khuẩn MRSA.
- Tiền sử điều trị nội tiết tăng trưởng hoặc phẫu thuật thần kinh.
Sau đó, bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh về cuộc phẫu thuật và xác nhận người bệnh có đồng ý không. Bác sĩ gây mê sẽ gặp người bệnh và trao đổi các lựa chọn gây tê tủy sống hay gây mê toàn thân và cách giảm đau sau phẫu thuật.
Sau cùng nếu người bệnh đồng ý phẫu thuật, người bệnh có thể phải mắc vớ được cung cấp bởi bác sĩ và tiêm một mũi Heparin để làm loãng máu. Việc làm này giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông đi vào phổi của người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Corticosteroid là gì? Tác dụng phụ của thuốc corticosteroid như thế nào?
Phẫu thuật
Sau khi đã chuẩn bị người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Các bước phẫu thuật nội soi cắt u thận được thực hiện lần lượt như sau:
- Bơm căng khoang bụng của người bệnh với khí CO2 thông qua một loại kim đặc biệt hoặc một cổng trocar.
- Trên thành bụng, các bác sĩ tạo ra một vài vết mổ nhỏ và đặt các cổng trocar qua các vết mổ đó để đưa dụng cụ phẫu thuật vào khoang bụng.
- Mở rộng một trong các vết mổ sau đó tiến hành cắt bỏ phần thận có khối u cùng các mô mỡ xung quanh và lấy ra khỏi thành bụng.
- Khâu các vết mổ lại bằng chỉ tự tiêu và ngay sau khi kết thúc phẫu thuật, người bệnh có thể được tiêm thuốc tê để giảm đau.
- Bác sĩ tiến hành đặt một ống thông tiểu vào bàng quang của người bệnh để có thể theo dõi lượng nước tiểu. Khi người bệnh có thể vận động, ống thông này sẽ được rút bỏ.
- Ngoài ra, một sống dẫn lưu khác cũng được đặt vào vùng vừa cắt bỏ khối u để ngăn tình trạng dịch tích tụ. Khi không còn dịch thoáng ra, ống dẫn lưu này sẽ được rút bỏ.
Thời gian hoàn tất ca phẫu thuật sẽ dao động trong khoảng từ 1 – 3 giờ tuỳ vào mức độ phức tạp của ca phẫu thuật và người bệnh có thể phải nằm viện theo dõi 2 – 3 ngày.
>>>>>Xem thêm: Top 3 thuốc bổ kích thích ăn uống cho người già
Những rủi ro có thể gặp sau phẫu thuật nội soi cắt u thận
Cũng giống như các loại phẫu thuật khác, người bệnh cũng có thể phải đối diện với một số các rủi ro khi phẫu thuật nội soi cắt u thận. Cụ thể:
- Đau nhức và khó chịu tại vết mổ;
- Đau mỏm vai do khí CO2 kích thích cơ hoành;
- Đầy bụng, chướng hơi (tạm thời);
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể phải đối diện với một số biến chứng khác như chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn bệnh viện, tổn thương các mạch máu và cơ quan, tổn thương khoang màng phổi…
Có thể thấy rằng, phẫu thuật nội soi cắt u thận là một phương pháp can thiệp tiên tiến, giúp người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh chóng và sớm trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Hy vọng bài viết sức khoẻ trên đây của Kenshin sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại phẫu thuật này. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và thành công hơn nữa trong cuộc sống.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể