Tiêu chảy cấp là căn bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em. Theo thống kê, hàng năm có đến 1300 triệu lượt trẻ em trên thế giới mắc bệnh và có đến 4 triệu trẻ em tử vong vì tiêu chảy cấp. Bài viết hôm nay của Kenshin sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị
Tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì? Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao và hướng điều trị cũng như chăm sóc thế nào? Câu trả lời sẽ được Kenshin bật mí ngay sau đây.
Contents
Tổng quan về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tiêu chảy là tình trạng trong 24 giờ trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần. Căn cứ vào thời gian của đợt tiêu chảy cấp, tiêu chảy được phân thành 3 loại bao gồm tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài và tiêu chảy mãn. Vậy khi nào trẻ được đánh giá là bị tiêu chảy cấp?
Tiêu chảy cấp ở trẻ em là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong 24 giờ và không kéo dài quá 14 ngày.
Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh đang được bú mẹ hoàn toàn, bé thường sẽ đi tiêu sau bữa bú, không sốt, bú nhiều và không quấy khóc thì bé vẫn đang hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp trẻ đi tiêu 5 – 7 lần trong 24 giờ, phân sệt, mùi chua có nghĩa đường tiêu hoá của trẻ đang có vấn đề và rất có thể trẻ bị tiêu chảy cấp.
Các chuyên gia nhận định, tiêu chảy cấp là tình trạng bệnh hết sức nghiêm trọng, có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí là tử vong nếu không được kịp thời điều trị.
Như vậy. có thể thấy rằng, việc thăm khám, chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ giúp trẻ cải thiện được những vấn đề khó chịu gây ra bởi bệnh tiêu chảy cấp mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau song chủ yếu là do siêu vi.
Về đường lây truyền: Tiêu chảy cấp thường lây truyền qua đường phân – miệng. Phân của trẻ tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn và nước uống. Trẻ khác sẽ bị tiêu chảy khi ăn phải thức ăn, uống phải nước uống hay tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Tác nhân gây bệnh bao gồm:
- Virus: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy cho trẻ. Một số loại virus gây tiêu chảy có thể kể đến như Rotavirus, Astrovirus, Adenovirus, Norwalk Virus… Trong đó Rotavirus là tác nhân chính gây bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Vi khuẩn: Trên thực tế, có rất nhiều các loại vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy cho trẻ em, trong đó phải kể đến như Bacillus, E. coli, trực khuẩn lỵ, Listeria monocytogenes, Shigella spp, Salmonella spp, Vibrio cholerae…
- Ký sinh trùng: Entamoeba histolytica (lỵ amip), Giardia lamblia (trùng roi), Cryptosporidium, Toxoplasma gondii…
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể kể đến như:
- Tuổi: Trẻ dưới 2 tuổi thường dễ bị tiêu chảy cấp, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 6 – 11 tuổi bởi đây là thời điểm trả bắt đầu ăn sam.
- Tình trạng dinh dưỡng: Trẻ không bú mẹ, ăn nhân tạo không đúng phương pháp. Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc tiêu chảy với độ nghiêm trọng, dễ gây tử vong.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch: Trẻ mắc bệnh sởi hoặc nhiễm AIDS thường tăng tính cảm thụ đối với bệnh tiêu chảy.
- Cơ địa: Trẻ sinh non, trẻ sinh thiếu tháng.
- Trẻ không bú mẹ, ăn nhân tạo không đúng phương pháp.
- Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn ngoài ruột như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi…
- Trẻ được dùng kháng sinh bừa bãi, đặc biệt là các loại kháng sinh đường uống sẽ tiêu diệt hết các lợi khuẩn của cơ thể dẫn đến tình trạng loạn khuẩn, gây tiêu chảy.
- Nguồn thức ăn và nước uống bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.
- Chế độ vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống kém.
- Ngoài ra, thời tiết nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển.
Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em
Khi bị tiêu chảy cấp, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Tiêu chảy: Đây là triệu chứng điển hình nhất của tiêu chảy cấp. Tình trạng này thường xảy ra một cách đột ngột với các dấu hiệu đi ngoài phân lỏng nhiều lần, phân có thể có lẫn nhầy, máu và có mùi chua, tanh, nồng hoặc thối khắm. Trong một số trường hợp, phân tự chảy ra ngoài do bị trẻ bị liệt cơ co thắt hậu môn.
- Nôn: Nôn thường xuất hiện sớm, trước triệu chứng tiêu chảy từ vài giờ đến vài chục giờ. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc chỉ môn một vài lần trong ngày.
- Biếng ăn, chán ăn thậm chí là bỏ ăn: Triệu chứng này thường xuất hiện ngay sau khi trẻ bị tiêu chảy. Trẻ thường từ chối các thức ăn thông thường và chỉ thích uống nước.
- Mất nước và điện giải: Khi bị tiêu chảy cấp, trẻ bị mất nước và điện giải do đi ngoài nhiều lần và nôn. Lúc này, trẻ có thể có một số biểu hiện như môi khô, mắt trũng, khát nước, khóc không có nước mắt, nếp véo da mất mất chậm… Tuỳ thuộc vào triệu chứng mà trẻ gặp phải, có thể đánh giá được tình trạng mất nước ở trẻ là không mất nước, mất nước hoặc mất nước nặng.
Tìm hiểu thêm: Điều gì sẽ diễn ra trong điều trị hóa trị?
Hướng chẩn đoán và điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ
Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện của tiêu chảy cấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt, tránh kéo dài khiến tình trạng mất nước nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí là mạng sống của trẻ.
Chẩn đoán
Bên cạnh việc khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định trẻ làm thêm một số xét nghiệm như điện giải đồ, công thức bạch cầu, soi phân, cấy phân. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định trẻ làm thêm Hematocrit để đánh giá tình trạng mất nước.
Hướng điều trị
Sau khi đã xác định được nguyên nhân cũng như đánh giá được mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy cấp, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ hướng điều trị phù hợp cho bé. Hướng điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em chủ yếu là bù nước và điện giải theo phác đồ phù hợp, điều trị nhiễm khuẩn khi tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn, đảm bảo dinh dưỡng và điều trị triệu chứng. Cụ thể:
Trẻ chưa có dấu hiệu mất nước
Đối với trường hợp trẻ chưa có dấu hiệu mất nước, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà. Việc chăm sóc trẻ lúc này cần đảm bảo 3 nguyên tắc:
- Ngăn ngừa mất nước: Đối với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú mẹ tích cực. Với trẻ lớn, mẹ có thể ngăn ngừa mất nước bằng cách cho trẻ uống Oresol. Nếu không có Oresol thì có thể cho trẻ uống nước cháo muối, nước muối đường hoặc nước dừa non với liều lượng phù hợp với từng độ tuổi (trẻ dưới 2 tuổi uống 50 – 100ml sau mỗi lần đi vệ sinh, 100 – 200ml đối với trẻ từ 2 – 5 tuổi sau mỗi lần đi tiêu và uống theo nhu cầu đối với trẻ trên 5 tuổi).
- Đảm bảo dinh dưỡng.
- Nếu nhận thấy trẻ có một trong các dấu hiệu như quấy khóc, kích thích vật vã, khát nhiều, nôn nhiều, đi tiêu phân có nhầy máu… cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám.
Trẻ đã có dấu hiệu mất nước
Đối với trường hợp trẻ đã có dấu hiệu mất nước, trẻ cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ trong trường hợp này đó là:
- Bù nước và điện giải bằng cách cho trẻ uống dung dịch Oresol trong vòng 4 giờ với liều lượng phù hợp.
- Trong hoặc sau giai đoạn bù dịch (4 giờ), tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc ăn sam bình thường phù hợp với lứa tuổi để hồi phục dinh dưỡng cho trẻ.
- Đánh giá lại mức độ mất nước của trẻ sau 4 giờ. Nếu trẻ không còn mất nước, trẻ có thể được ra viện và chăm sóc tại nhà và ngược lại nếu trẻ li bì, không uống được thì sẽ cần bù nước và điện giải bằng đường truyền dịch.
Trẻ bị mất nước nặng
Đối với trường hợp trẻ bị mất nước nặng, trẻ sẽ được chăm sóc tại các cơ sở y tế. Việc điều trị và chăm sóc trẻ sẽ bao gồm:
- Bù nước và điện giải bằng đường truyền tĩnh mạch với dung dịch Ringer Lactat. Liều lượng và tốc độ truyền sẽ tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi và đánh giá sát tình trạng của trẻ. Trong trường hợp trẻ đã ổn, thì đánh giá tối thiểu 1 giờ/lần.
- Sau giai đoạn bù dịch, mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
>>>>>Xem thêm: Ung thư phổi di căn não và xương có chữa được không?
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Hy vọng với những chia sẻ hôm nay, các mẹ sẽ có thêm thật nhiều kiến thức về tình trạng bệnh này từ đó chăm sóc trẻ tốt hơn. Cảm ơn mẹ đã luôn dõi theo và đồng hành cùng Kenshin.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể