Viêm phế quản là tình trạng viêm ở niêm mạc phế quản, rất thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. Tình trạng này liên quan đến đường hô hấp dưới, đặc biệt nhắm vào phế quản – nơi chịu trách nhiệm vận chuyển không khí trong phổi. Bài viết này sẽ trang bị thêm cho bạn về triệu chứng, nguyên nhân viêm phế quản, từ đó biết được cách phòng ngừa căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Viêm phế quản
Đường hô hấp dưới bao gồm các cơ quan khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Trong đó, viêm phế quản là bệnh lý thường gặp nhất của đường hô hấp dưới. “Viêm phế quản là gì? Tại sao lại viêm phế quản?” sẽ được giải thích trong bài viết dưới đây.
Viêm phế quản là gì?
Phế quản là những cấu trúc dạng ống trong phổi chịu trách nhiệm cho sự di chuyển của không khí vào và ra khỏi phổi. Niêm mạc của ống phế quản có những lông mao nhỏ tiết ra chất nhầy giúp bôi trơn và làm sạch không khí hít vào. Khi các ống phế quản bị viêm, các ống khí này sưng lên và tiết ra nhiều chất nhầy, sự sưng tấy và tăng sinh của chất nhầy ở thành khí quản có thể cản trở luồng không khí lưu thông, khiến người bệnh khó thở hoặc ho. Tình trạng này được gọi là viêm phế quản. Viêm phế quản là một trong các bệnh lý của đường hô hấp dưới phổ biến nhất, đề cập đến tình trạng viêm mãn tính không đặc hiệu của khí quản, niêm mạc phế quản và các mô xung quanh, đặc trưng bởi ho có đờm và kéo dài khoảng 2 – 3 tuần. Viêm phế quản có thể chia thành 2 loại là cấp tính và mãn (mạn) tính.
Viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính của ống khí quản gây viêm phế quản có thể hồi phục. Bệnh thường khởi phát sớm với các biểu hiện lâm sàng như nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, khàn giọng,… Một số người có triệu chứng toàn thân nhẹ như sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi, ngứa họng, ho khó chịu và đau sau xương ức. Giai đoạn đầu, đờm không nhiều nhưng khó khạc ra. Sau 2 đến 3 ngày, đờm có thể chuyển từ dạng nhầy sang dạng lỏng hơn và kích thích những cơn ho. Bệnh nhân thường ho nhiều hơn khi thức dậy vào buổi sáng hoặc buổi tối do 2 thời điểm này có nhiệt độ thấp hơn trong ngày khiến phế quản co thắt hơn, dẫn đến ho nhiều hơn. Ho cũng có thể kịch phát, thường kèm theo buồn nôn, nôn và đau cơ ngực và đôi khi dai dẳng. Nếu không điều trị, ống phế quản bị thu hẹp dần, bệnh có thể chuyển thành viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính khiến bệnh nhân ngày càng khó thở.
Viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính vẫn là một vấn đề y tế nghiêm trọng đối với nhiều người lớn, được gây ra bởi một quá trình viêm chậm ở phế quản. Bệnh nhân bị ho mãn tính và có đờm trong hơn 3 tháng, có thể ho quanh năm và trở nặng hơn vào mùa lạnh. Nhiều bệnh nhân không nhận ra rằng ho có đờm thường xuyên vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của viêm phế quản mãn tính. Thông thường, đờm ở dạng nhầy màu trắng, đặc và khó khạc ra hoặc đờm có mủ màu vàng/xanh hoặc kèm theo thở khò khè.
Nguyên nhân gây viêm phế quản
Nguyên nhân nhiễm trùng
Virus
Mặc dù viêm phế quản cấp tính có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn các trường hợp là do virus gây ra. Các loại virus phổ biến nhất là rhinovirus, adenovirus, cúm A và B, virus parainfluenza.
Vi khuẩn
Streptococcus pneumoniae, Haemophilusenzae, Moraxella catarrhalis, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae và Bordetella pertussis là những vi khuẩn được xác định là góp phần gây ra viêm phế quản cấp tính ở người lớn khỏe mạnh.
Nguyên nhân không nhiễm trùng
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì hệ miễn dịch càng suy yếu, tạo cơ hội cho các nhiễm trùng xâm nhập.
- Hút thuốc lá lâu năm: Trong khói thuốc lá có hàng nghìn thành phần hóa học bao gồm chất độc và chất gây ung thư, có khả năng gây tổn thương các tế bào nơi chúng đi qua như hầu họng, quế quản, phổi. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra sự phát triển của viêm phế quản mãn tính.
- Tính chất nghề nghiệp: Một số công việc buộc con người phải làm trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại như amiang, bụi gỗ, khí clo, ozon,…
Những người hút thuốc hoặc những người làm việc trong môi trường có nhiều khí độc dễ bị viêm phế quản cấp tính và ít có khả năng hồi phục sau khi bị bệnh, vì hầu hết niêm mạc phế quản của những người này đã bị tổn thương. Bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần và dẫn đến viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, ung thư phổi,…
Tìm hiểu thêm: Hàng triệu người có nguy cơ bị chẩn đoán sai với chứng suy giảm trí não
Cách phòng ngừa viêm phế quản
Bỏ thuốc lá
Bỏ hút thuốc là biện pháp quan trọng để giảm bớt sự kích thích của việc hút thuốc lên đường hô hấp, ngăn ngừa bệnh viêm phế quản mãn tính. Cũng như cần tránh các loại khí gây khó chịu khác, chẳng hạn như khói nhà bếp.
Hỗ trợ lực bên ngoài để tống đờm ra ngoài
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi hay trẻ nhỏ không thể khạc tống đờm ra ngoài, người chăm sóc có thể vỗ rung long đờm và xoa bóp nhẹ nhàng ngực và lưng của bệnh nhân có thể thúc đẩy quá trình tiết đờm.
Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa thường xuyên
Không khí trong nhà được lưu thông trong lành và có độ ẩm nhất định có thể kiểm soát và loại bỏ các loại khí và khói độc hại. Cải thiện vệ sinh môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm bụi và không khí, đặc biệt là những nhà sống gần công trường, đường đông xe cộ thì cần có biện pháp chắn bụi hay máy lọc không khí để tăng cường bảo vệ cá nhân và tránh các tác động của khói, bụi.
Vận động thể chất phù hợp
Tăng cường thể lực, cải thiện sức đề kháng hô hấp, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên và tránh hít phải các chất có hại và chất gây dị ứng có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm sự xuất hiện của căn bệnh này. Tập thể dục nên được thực hiện dần dần và tăng dần số lượng hoạt động.
Giữ ấm cơ thể khi cần thiết
Vào những mùa lạnh hoặc khi khí hậu đột ngột chuyển lạnh, bạn nên chú ý giữ ấm và bổ sung thêm quần áo kịp thời để tránh bị cảm lạnh do thời tiết. Ngoài ra, không nên tắm đêm hay mặc đồ ướt sẽ khiến bạn dễ bị cảm lạnh.
>>>>>Xem thêm: Mezapulgit có dùng được cho bà bầu không? Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng
Căn bệnh này là một mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc bệnh rất cao. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài như suy giảm chức năng phổi và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Cho nên, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng y tế.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể