Nội soi khớp háng được chỉ định thực hiện khi nào?

Nội soi khớp háng là phẫu thuật dùng để chẩn đoán và điều trị những vấn đề liên quan đến khớp háng. Đây là phương pháp được đánh giá cao, đồng thời cũng được ưu tiên sử dụng hiện nay bởi hình thức phẫu thuật xâm lấn trên diện tích nhỏ, không cần vết rạch rộng để vào khớp, giúp rút ngắn thời gian hồi phục so với phương pháp truyền thống. Vậy nội soi khớp háng được chỉ định thực hiện khi nào? Có những lưu ý gì trước khi tiến hành nội soi không?

Bạn đang đọc: Nội soi khớp háng được chỉ định thực hiện khi nào?

Phẫu thuật nội soi khớp háng là một thủ thuật tương đối mới, thường được áp dụng để hỗ trợ chẩn đoán, sửa chữa các thương tổn bên trong khớp háng mà các công cụ chẩn đoán hình ảnh khác khó phát hiện. Khớp háng có những đặc thù về giải phẫu như khoang khớp khá chật hẹp, khớp nằm sâu nên yêu cầu về kỹ thuật sẽ cao hơn so với các khớp khác. Ngoài ra, chỉ định về nội soi khớp háng cũng khá chặt chẽ và có nhiều điểm khác biệt so với các khớp khác. Vì vậy, chúng ta cùng tìm hiểu khi nào thì nội soi khớp háng được chỉ định?

Nội soi khớp háng là gì?

Khớp háng là khớp chịu trọng lượng lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng, liên quan trực tiếp đến khả năng vận động và di chuyển của con người. Vị trí giải phẫu khớp háng nằm ở sâu, khu vực quanh khớp háng cũng có liên hệ mật thiết với nhiều bệnh lý liên quan đến cột sống, khung chậu, vùng tiểu khung,… vì vậy có thể gây ra những khó khăn trong việc thăm khám lâm sàng và xác định các thương tổn nội khớp.

Nội soi khớp háng là phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý liên quan đến khớp háng bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu, các bác sĩ sẽ không thực hiện rạch da hoặc các mô mềm của người bệnh nhiều như phẫu thuật mở truyền thống. Thay vào đó, các dụng cụ phẫu thuật sẽ được đưa vào khớp thông qua vài vết rạch da nhỏ.

noi-soi-khop-hang-duoc-chi-dinh-thuc-hien-khi-nao 1.webp

Khớp háng là khớp chịu trọng lực lớn nhất cơ thể, có vai trò quan trọng đối với việc vận động

Thông qua các vết rạch da nhỏ, một chiếc máy nội soi có gắn camera sẽ được đưa vào để quan sát tổng thể tình trạng bên trong khớp háng, đồng thời các dụng cụ phẫu thuật khác được đưa vào thông qua một hoặc nhiều vết vạch da khác nhau. Dưới sự hỗ trợ của các dụng cụ này, những vấn đề trong khớp sẽ được phát hiện và tiến hành sửa chữa, giúp người bệnh giảm được nhiều vấn đề liên quan đến hậu phẫu thuật như cứng khớp, đau vết mổ, hạn chế nhiễm trùng vết mổ,…

Nội soi khớp háng là phương pháp phẫu thuật thăm dò hình ảnh mới phát triển và có khả năng đưa ra những chẩn đoán chính xác cao trong thời gian ngắn.

Nội soi khớp háng được chỉ định khi nào?

Không phải bất kỳ bệnh lý hay bất thường nào quanh vị trí khớp háng đều được chỉ định tiến hành nội soi khớp háng để chẩn đoán hoặc điều trị. Khi bệnh nhân đến thăm khám về vấn đề khớp háng sẽ được các bác sĩ kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp với tình trạng bệnh sử để đưa ra các chỉ định phù hợp.

Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành chụp CT hoặc X-quang để kiểm tra tình trạng khớp háng trước. Nếu kết quả thăm khám lâm sàng không đủ rõ ràng để xác định chính xác bệnh lý, lúc này bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện nội soi khớp háng để quan sát khớp háng thông qua hình ảnh cụ thể, từ đó giúp đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Dưới đây là một số bệnh lý khớp háng phổ biến được chỉ định điều trị bằng phương pháp nội soi khớp háng:

Lấy dị vật bên trong khớp háng

Các dị vật xuất hiện bên trong khớp có thể bắt nguồn từ các chấn thương trật khớp háng, gãy xương, viêm xương, viêm khớp thoái hoá hay hội chứng chạm khớp háng,… Phẫu thuật nội soi khớp háng ít gây xâm lấn, ít gây ra các biến chứng đi kèm và khả năng phục hồi cũng nhanh hơn.

Tìm hiểu thêm: Uống dầu oliu lúc nào tốt nhất cho sức khỏe?

noi-soi-khop-hang-duoc-chi-dinh-thuc-hien-khi-nao 2.webp
Nội soi khớp háng là thủ thuật yêu cầu kỹ thuật cao và bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo chuyên sâu

Tổn thương sụn viền khớp

Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng cơ học như cứng khớp, đau vùng háng, có thể nghe thấy âm thanh lách cách khi cử động. Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn gây ra viêm xương khớp hay thoái hoá khớp háng sớm.

Chấn thương sụn khớp

Những chấn thương trực tiếp liên quan đến vùng hông có thể gây ra tổn thương sụn viền khớp, hình thành dị vật trong khớp, trật khớp háng, trật xương đùi hay viêm khớp thoái hoá.

Loạn sản khớp háng

Nội soi khớp háng được chỉ định để điều trị loạn sản khớp háng, đồng thời bảo tồn sụn khớp. Ngoài ra phương pháp này còn giúp các bệnh nhân ngăn ngừa các biến chứng như dị vật trong khớp hay tổn thương sụn viền khớp,…

Bệnh lý liên quan đến bao hoạt dịch

Sử dụng thủ thuật nội soi khớp háng để cắt bao hoạt dịch trong các rối loạn như viêm bao hoạt dịch nhung mao sắc tố hay viêm khớp phản ứng khi phương pháp bảo tồn không thành công.

Viêm khớp nhiễm trùng

Thông qua nội soi khớp háng, bác sĩ có thể lấy được dịch cấy, loại bỏ mô và màng hoạt dịch bị tổn thương, tránh được tình trạng nhiễm trùng tái phát.

Rách dây chằng khớp

Xảy ra do trật khớp háng, gãy xương hoặc do một số vết nứt tự phát. Các sợi rách bám bào khớp, có thể gây ra triệu chứng đau hông. Phẫu thuật nội soi khớp háng giúp nối lại dây chằng, phục hồi chức năng khớp cho người bệnh.

Thoái hóa khớp

Nội soi khớp háng còn nhiều tranh cãi và hạn chế trong chỉ định thoái hoá khớp háng. Chỉ định nội soi khớp háng trên bệnh nhân trẻ tuổi, triệu chứng khởi phát sớm, phát hiện trên X-quang ít tiến triển và điều trị bảo tồn thất bại.

Lưu ý trong quá trình phục hồi sau nội soi khớp háng

Sau phẫu thuật nội soi khớp háng, người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày nếu không có bất kỳ dấu hiệu bất thường ở khớp, vị trí vết mổ hay tình trạng sức khỏe. Bởi vì vết mổ ở khớp háng có ảnh hưởng đến quá trình vận động của thân dưới nên người bệnh sẽ được đeo nẹp cố định quanh vị trí khớp háng khoảng ba tuần và sử dụng nạng để hỗ trợ đi lại. Tùy vào tình hình sức khỏe và tình trạng vết thương của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị và phục hồi phù hợp.

Trong giai đoạn hậu phẫu, bệnh nhân có thể xuất hiện một số cơn đau quanh khớp háng do niêm mạc khớp đang trong quá trình tái tạo hồi phục. Có thể bị sưng ở vị trí vết mổ và sẽ giảm trong khoảng một tuần sau đó. Đôi khi có thể nghe thấy tiếng ọc ọc trong khớp háng hoặc vị trí quanh vết mổ do các chất lỏng sử dụng trong quá trình nội soi gây ra. Tuy nhiên đừng quá lo lắng, chất lỏng này không gây hại cho sức khỏe và sẽ được cơ thể hấp thụ trong quá trình phục hồi.

noi-soi-khop-hang-duoc-chi-dinh-thuc-hien-khi-nao 3.webp

>>>>>Xem thêm: Cách xử lý chứng chán ăn khi mang thai tháng thứ 5

Tập vật lý trị liệu giúp hỗ trợ quá trình hồi phục, giảm đau khi vận động sau phẫu thuật

Một số lưu ý chung cho trong việc hồi phục sau phẫu thuật nội soi khớp háng:

  • Hạn chế đối đa việc tạo áp lực hay đặt trọng lực lên khớp háng, kể cả khi đi ngủ.
  • Cố định và băng kín vết mổ, tránh để đụng nước, vệ sinh vết mổ đúng cách để tránh xảy nhiễm trùng.
  • Sau khi mổ, nếu cảm thấy đau có thể sử dụng thuốc giảm đau được bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không tự ý mua hay dùng thuốc giảm đau nếu không có sự chấp thuận của bác sĩ điều trị.
  • Người bệnh được khuyến khích tập vật lý trị liệu trong vòng 6 tuần hoặc hơn, nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi khớp háng, giảm đau khi vận động thể chất. Nếu không có bất kỳ vấn đề nào bất thường, sau khoảng 12 tuần bệnh nhân có thể hoạt động thể thao nặng trở lại.
  • Yêu cầu cực kỳ quan trọng đó là tái khám đúng lịch hẹn với bác sĩ để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ, xác định chính xác tình trạng khớp háng sau khi phẫu thuật nội soi và thời gian phục hồi của người bệnh.

Vì nội soi khớp háng là một kỹ thuật đòi hỏi thao tác chuyên nghiệp, bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn cao để có thể thực hiện từng thao tác chính xác, kiểm soát được những nguy cơ gây có thể gây ra biến chứng cho người bệnh. Để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của bản thân, bạn hãy lựa chọn những địa chỉ uy tín với chuyên môn cao để được kiểm tra, đưa ra chẩn đoán chính xác và tiến hành phẫu thuật nội soi khớp háng.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *