Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 100% khi đã lên cơn. Bệnh do virus Dại (Rhabdovirus) gây ra và có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh này chủ yếu lây truyền thông qua vết cắn của động vật bị nhiễm, như chó, mèo, dơi và các loài hoang dã khác. Một khi các triệu chứng của bệnh Dại xuất hiện, bệnh không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh Dại hoàn toàn có thể phòng tránh thông qua việc tiêm phòng đầy đủ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau khi tiếp xúc hoặc bị cắn bởi động vật có nguy cơ nhiễm bệnh.
Bạn đang đọc: Bệnh Dại: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My – hiện công tác tại trung tâm Tiêm chủng Kenshin. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.
Contents
- 1 Bệnh Dại là gì? Nguồn bệnh Dại từ đâu?
- 2 Hình thức lây truyền của bệnh Dại như thế nào?
- 3 Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh Dại?
- 4 Biểu hiện bệnh Dại trên chó/mèo như thế nào?
- 5 Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?
- 6 Những dấu hiệu và triệu chứng của người bị bệnh Dại là gì?
- 7 Bệnh Dại có nguy hiểm không?
- 8 Có biện pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh nhân Dại hay không?
- 9 Chỉ cần theo dõi con chó, mèo đã gây ra vết cắn mà không cần tiến hành điều trị có được không?
- 10 Bệnh Dại có thể phòng ngừa được không?
- 11 Tiêm vắc xin phòng Dại có thể gây nên bệnh Dại không?
- 12 Những điều không nên làm đối với vết thương do động vật gây ra?
Bệnh Dại là gì? Nguồn bệnh Dại từ đâu?
Bệnh dại là bệnh Viêm não tủy cấp tính do vi rút Dại (Rhabdovirus) gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là ở chó hoang dã như chó sói đồng (Coyotes), chó sói (Wolves), chó rừng (Jackals) và chó nhà (Candae). Ngoài ra, ổ chứa vi rút dại còn ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác.
- Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico có ổ chứa vi rút ở loài dơi hút máu và dơi ăn hoa quả. Ở Mỹ, Canada, Châu Âu còn thấy loài dơi ăn sâu bọ bị nhiễm vi rút dại.
- Tại các nước đang phát triển, ổ chứa chủ yếu ở chó, ngoài ra còn thấy ở mèo, chuột…
- Việt Nam: Chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96 – 97% sau đó là mèo: 3 – 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc…) chưa phát hiện được.
Hình thức lây truyền của bệnh Dại như thế nào?
Một số hình thức lây truyền phổ biến của bệnh Dại gồm:
- Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị Dại lên trên da bị tổn thương.
- Ngoài ra vi rút Dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo.
- Bệnh Dại còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh Dại?
Những yếu tố ảnh hưởng gồm:
- Vị trí phơi nhiễm với nguồn Dại: Gần thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ… sẽ rút ngắn thời gian ủ bệnh (nung bệnh).
- Số lượng vết cắn, cào, liếm trên da thương tổn: Số lượng càng nhiều thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn.
- Sơ cứu: Việc sơ cứu đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Ngược lại, làm sai cách, nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.
- Việc thực hiện đánh giá, phân độ vết thương và thái độ xử trí phù hợp sẽ ngăn ngừa được bệnh Dại.
Biểu hiện bệnh Dại trên chó/mèo như thế nào?
Thời gian ủ bệnh (nung bệnh): 60 ngày (3 tuần – 6 tháng)
Khởi phát:
- Sốt, thay đổi tính cách, cá tính.
- Rụt rè hoặc đột ngột hung hăng, dữ tợn.
- Luôn có cảm giác bồn chồn, lo lắng, không dám nhìn thẳng, nằm riêng trong chỗ tối.
- Sợ ánh sáng.
Toàn phát:
- Thể hung dữ, thao cuồng: Chảy nước dãi, sùi bọt mép, cắn người hoặc bất cứ con vật nào ở gần, xung quanh. Dễ bị kích động, khó hoặc không thể kiểm soát.
- Thể liệt, câm: Ủ rũ, buồn bã, liệt nửa phần thân sau, liệt cơ hàm. Đi kèm với các biểu hiện này là hiện tượng chảy nước dãi, thè lưỡi, gầm gừ trong họng.
Cả 2 thể này đều kích thích mạnh bộ phận sinh dục. Chó, mèo chết trong vòng 2 – 10 ngày.
Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, cào, hoặc tổn thương da, niêm mạc. Vi rút Dại tồn tại trong vết cắn một thời gian rồi nhân lên tại các tế bào cơ, sau đó xâm nhập sợi Trục của tế bào thần kinh, và di chuyển ngược theo sợi trục này về thần kinh trung ương (ở cả chất Trắng và chất Xám của Não và Tủy sống). Đây chính là thời điểm rất quan trọng để có thể can thiệp, ngăn ngừa bệnh Dại bằng Vắc xin và Kháng huyết thanh chống bệnh Dại.
Tại hệ thần kinh trung ương, vi rút Dại gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình (Apoptosis), qua đó biểu hiện nên các triệu chứng lâm sàng.
Trong cơ thể người bệnh Dại, vi rút xuất hiện trong nước bọt, nước tiểu, dịch não tủy và tập trung nhiều ở Tiểu não, Cuống não và các Hạch nền sọ. Ngoài ra còn thấy vi rút Dại ở trong tủy xương, cơ Tim, Thận, Thủy thượng thận, Tuyến Tụy…
Những dấu hiệu và triệu chứng của người bị bệnh Dại là gì?
Thể hung dữ (chiếm khoảng 80% số ca)
Nung bệnh: Trung bình 40 ngày, có thể ngắn 7 – 10 ngày, hoặc dài đến 3 – 4 tháng thậm chí hàng năm (Hiếm gặp). Trong thời kì này không có bất kì biểu hiện bất thường nào.
Khởi phát:
- Từ 1 – 4 ngày.
- Điều kiện thuận lợi: Ức chế cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Sốt, đau đầu, khó chịu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, viêm họng, ho khan… Ngoài ra có thể có các triệu chứng gợi ý: Dị cảm, kiến bò vùng vết cắn, rồi ngứa lan ra khắp người. Người bệnh bồn chồn, lo lắng, khóc cười vô cớ và thường mất ngủ.
Toàn phát:
- Kích thích vận động và cảm giác: Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, trong trạng thái hưng phấn, kích động quá mức, không ngủ được dù sử dụng các thuốc an thần. Tăng cảm giác, giác quan với ánh sáng, tiếng ồn, sờ mó ngay cả với cơn gió nhẹ, nghe thính, mũi thính.
- Khám: Rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, mặt đỏ, nói nhiều, nhịp tim nhanh.
- Biểu hiện đặc trưng là sợ gió, nước: Lúc đầu tại chỗ như khi uống nước, hít mạnh rồi sau đó là các kích thích toàn thân khác, cuối cùng là khi kích thích chuyển hoán đổi qua các giác quan khác như nghe thấy tiếng nước chảy, hoặc chỉ nghe đến nước là lên cơn. Khi lên cơn, người bệnh co thắt quá mức các cơ hầu họng và thanh quản. Chính bởi vậy, người bệnh thấy sợ và đau nhiều. Nước bọt liên tục tiết ra mà người bệnh không nuốt được, do đó khạc nhổ liên tục. Trên Nam giới, do thương tổn vùng Hạnh nhân tiểu não, do đó gây cương đau và xuất, di tinh liên tục.
- Diễn biến: Các cơn ngày càng mau và mức độ tăng lên. Bệnh nhân rơi vào hôn mê, rối loạn các chức năng sống và cuối cùng là Tử vong.
Thể bại liệt
Thường xảy ra trên những người có tiêm vắc xin sau khi bị phơi nhiễm. Một số biểu hiện thường gặp:
- Ban đầu dị cảm tại vết cắn, đau cột sống và đau chi bị phơi nhiễm.
- Xuất hiện tình trạng liệt lan tỏa lên chi trên, giảm và mất phản xạ gân xương.
- Bí đại tiểu tiện, sau đó liệt cơ mặt, cổ, lưỡi, hầu họng và các cơ hô hấp.
- Cuối cùng là tử vong. Tuy nhiên thời gian thường kéo dài hơn thể hung dữ.
Bệnh Dại có nguy hiểm không?
Qua các chia sẻ về nguyên nhân, cơ chế và diễn biến về bệnh Dại, cho chúng ta thấy đây là căn bệnh cực kì nguy hiểm và không có cơ hội để làm lại. Bởi vậy, trong xử trí phơi nhiễm nguồn Dại, chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết.
Có biện pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh nhân Dại hay không?
- Điều trị đặc hiệu: Cho tới nay, không có biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh Dại, bởi vậy khi đã lên cơn Dại, người bệnh tử vong gần như 100%.
- Điều trị hỗ trợ: Một khi bệnh Dại đã phát triển, điều trị chỉ mang tính hỗ trợ và bao gồm an thần mạnh (ví dụ như ketamine và midazolam) và các biện pháp làm bệnh nhân thoải mái.
Chỉ cần theo dõi con chó, mèo đã gây ra vết cắn mà không cần tiến hành điều trị có được không?
Nếu chúng ta chỉ theo dõi, mà không tiến hành can thiệp sẽ rất nguy hiểm. Bởi tính chất quan trọng và đặc biệt của căn bệnh Dại này, chúng ta không thể có cơ hội để làm lại. Do vậy, bắt buộc chúng ta phải thực hiện đúng và đầy đủ các bước trong quyết định 1622 của Bộ Y tế.
Bệnh Dại có thể phòng ngừa được không?
Bệnh Dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Hơn nữa, duy nhất vắc xin ngừa bệnh Dại, vừa có tác dụng dưới góc độ của 1 vắc xin, đồng thời, nó cũng đóng vai trò là phương pháp điều trị bệnh Dại.
Một số vắc xin ngừa bệnh Dại phổ biến đang lưu hành trên thị trường Việt nam như: ABHAYRAB (Ấn Độ), VERORAB (Pháp), INDIRAB (Ấn Độ),… Hiện tại, tất cả các trung tâm tiêm chủng Kenshin trên toàn quốc đều cung cấp tốt nhất dịch vụ tiêm ngừa vắc xin ngừa bệnh Dại nói riêng và còn rất nhiều vắc xin khác theo những chương trình gói, lẻ, đặt trước nhằm mang lại tối đa thuận lợi, lợi ích với tất cả mọi khách hàng ở tất cả các độ tuổi.
Phòng ngừa trước phơi nhiễm
- Tiêm vắc xin dự phòng bệnh Dại: cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút Dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút Dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh Dại.
- Tiêm nhắc lại theo định kỳ: Áp dụng cho những người do công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút Dại và chỉ tiêm nhắc lại 1 liều khi xét nghiệm chuẩn độ kháng thể Dại ở mức dưới 0,5 UI/ml.
Phòng ngừa phơi nhiễm
Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: Rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng Dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.
Xử lý vết thương
Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°- 70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút Dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.
Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng Uốn ván.
Tìm hiểu thêm: Lợi ích cắt bao quy đầu ở nam giới là gì? Lưu ý khi cắt bao quy đầu
Nguyên tắc điều trị dự phòng
Chỉ định dùng vắc xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh Dại tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh Dại trong vùng.
Chỉ định điều trị dự phòng bệnh Dại sau phơi nhiễm đối với những người chưa được tiêm phòng bệnh Dại theo bảng tóm tắt dưới đây:
Như vậy, vắc xin Dại sẽ được tiêm theo phân loại từ độ 2, độ 3. Đặc biệt Kháng huyết thanh chống bệnh Dại được sử dụng trong trường hợp phơi nhiễm nguồn Dại có đặc điểm:
- Nhiều vết cắn/cào;
- Gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ;
- Vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục;
- Vùng xa thần kinh trung ương những con vật gây phơi nhiễm không theo dõi được hoặc có triệu chứng Dại.
Tiêm vắc xin phòng Dại có thể gây nên bệnh Dại không?
Ngày nay, với công nghệ bào chế các Vắc xin phòng ngừa bệnh Dại dựa trên nuôi cấy tế bào Vero, đồng thời với mỗi vắc xin ngừa bệnh Dại được phê duyệt, lưu hành phải đảm bảo 3 đặc tính: Hiệu quả, An toàn, và Không thể gây bệnh. Do đó, việc tiêm vắc xin Dại không thể gây ra bệnh Dại.
Những điều không nên làm đối với vết thương do động vật gây ra?
Bạn cần lưu ý không nên làm những điều sau:
- Xử trí vết cắn, cào theo kinh nghiệm dân gian như: Thoa dầu gió, bôi dầu hỏa…
- Bóp, nặn, làm dập nát thêm vết thương…
- Khâu kín ngay vết thương.
- Bỏ qua đánh giá để điều trị kháng sinh hay phòng ngừa bệnh Uốn ván.
- Bỏ qua hoặc đánh giá không chính xác phân độ vết thương để có thái độ xử trí phù hợp.
>>>>>Xem thêm: U xơ dưới da là gì? Cách phân biệt với u mỡ dưới da
Thông tin chia sẻ trong bài được tham vấn từ quyết định 1622 của Bộ Y Tế ban hành ngày 08/05/2014, Bài Giảng Bệnh Dại của bộ môn Truyền nhiễm – Đại học Y Hà nội, Cục Y Tế dự phòng Việt nam (VN CDC), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương.
Bác sĩ Nguyễn Văn My
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể