Hút thuốc lá là một thói quen có hại gây ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Nó không chỉ xảy ra với người sử dụng mà còn gây hại đáng kể đến những người xung quanh. Vậy các bệnh do thuốc lá gây ra là gì?
Bạn đang đọc: Thuốc lá và các bệnh do thuốc lá gây ra
Thuốc lá có chứa nhiều thành phần hóa học gây độc hại cho cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Đây cũng là nguyên nhân gây của nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phế quản mãn, bệnh mạch vành hay thậm chí là ung thư phổi. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn các bệnh do thuốc lá gây ra.
Contents
Thành phần gây hại trong thuốc lá
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất hóa học, phần lớn trong số đó là các chất độc hại đến sức khỏe con người. Theo các nghiên cứu có khoảng 60 chất trong thuốc lá là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là Nicotin và Carbon Monoxide.
- Nicotine: Nicotin là một chất chất gây nghiện, có mùi khó chịu, vị đắng, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Nicotin khi vào trong cơ thể có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim, làm thu hẹp động mạch, góp phần làm xơ cứng thành động mạch, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim.
- Carbon monoxide: Đây là loại khí không mùi, có ái lực với hemoglobin lớn hơn khoảng 240 lần so với oxy. Do đó, carbon monoxide sẽ chiếm chỗ của oxy trong phân tử hemoglobin dẫn tới việc oxy không được hemoglobin vận chuyển đến mô tế bào. Điều này làm cho cơ thể bị thiếu oxy lâu dài dẫn đến các bệnh lý về tim mạch.
Các bệnh do thuốc lá gây ra gồm những bệnh gì?
Ung thư phổi và các loại ung thư khác
Hút thuốc lá là tác nhân hàng đầu chiếm trên 90% các trường hợp ung thư phổi. Trên thế giới tỉ lệ mắc ung thư phổi tăng khá nhanh trong vòng 60 năm qua và có sự liên quan mật thiết với việc số lượng người hút thuốc tăng.
Khi hút thuốc, các chất độc trong khói thuốc lá có thể làm hỏng hoặc thay đổi DNA của tế bào. DNA có vai trò kiểm soát sự phát triển và chức năng bình thường của tế bào. Khi DNA bị hư hỏng, tế bào có thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo ra khối u ung thư.
Bên cạnh đó, các chất độc trong khói thuốc lá còn có làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến việc tiêu diệt tế bào ung thư vừa được hình thành trở nên khó khăn hơn. Khi điều này xảy ra, các tế bào ung thư tiếp tục phát triển lớn hơn gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi tăng lên tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn dẫn đến nhiều loại ung thư khác như ung thư mũi, miệng, thanh quản, khí quản, thực quản, dạ dày, bàng quang, cổ tử cung, tụy, thận, tủy xương và máu,…
Bệnh về phổi
Hút thuốc lá gây ảnh hưởng đến cấu trúc và và chức năng của phổi như tổn thương phổi, chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ, giảm chức năng phổi. Khói thuốc có thể làm phá huỷ phế nang dẫn đến làm giảm tính đàn hồi của phổi và giảm khả năng trao đổi oxy.
Diện tích bề mặt phổi của những người hút thuốc bị giảm, làm lưu lượng máu qua phổi. Điều này dẫn đến giảm khả năng cung cấp chất dinh dưỡng và oxi cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể. Hút thuốc lá gây nên các bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở, ho, thở khò khè vì đường thở bị hẹp so với bình thường. Theo nghiên cứu khoảng 85% đến 90% nguyên nhân dẫn đến bệnh COPD là do hút thuốc lá.
Bệnh về tim mạch
Khói thuốc khi đi vào cơ thể sẽ gây ra các tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Trong những phút đầu khi hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng lên và có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu. Nhịp tim sau đó có thể giảm xuống từ từ tuy nhiên không thể quay trở lại bình thường nếu chưa ngừng hút.
Bên cạnh đó, các hóa chất có trong khói thuốc còn gây ảnh hưởng toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu bao gồm:
- Làm tăng chất béo trung tính, giảm lượng cholesterol (HDL).
- Làm cho máu dễ đông lại hình thành nên cục máu đông làm cản trở lưu lượng máu đến tim và não.
- Tăng sự tích tụ mảng bám (cholesterol, chất béo, canxi và các chất khác) trong mạch máu.
- Gây dày thành mạch và hẹp mạch máu.
Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ.
Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là một trong các bệnh do thuốc lá gây ra. Đây là bệnh lý được hình thành do tích lũy các chất béo trong động mạch từ đó gây cản trở và làm hẹp các động mạch. Hút thuốc lá có thể gây nên xơ vữa động mạch thông qua các cơ chế:
- Khi hút thuốc, nồng độ carbon monoxide (một chất có nhiều trong thuốc lá) tăng lên, làm tổn thương đến sự mềm dẻo của lòng mạch dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa.
- Làm giảm lượng HDL-cholesterol có lợi và làm tăng nồng độ LDL-cholesterol có hại, tăng triglyceride gây nên tình trạng xơ vữa động mạch.
Tìm hiểu thêm: Top 5 loại dung dịch vệ sinh phụ nữ giúp làm hồng tốt nhất hiện nay
Bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị tắc, hẹp gây ảnh hưởng khả năng cung cấp oxy cho tế bào cơ tim.
Theo nghiên cứu, hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ra bệnh mạch vành. Trong đó nguy cơ mắc bệnh tăng lên 1,6 lần ở người đã từng hút thuốc và tăng lên 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu thuốc/ngày so với người không hút thuốc, tùy theo mức độ hút thuốc, theo giới và tuổi.
Bệnh mạch máu não
Bệnh mạch máu não là một hội chứng tổn thương thần kinh do khả năng máu tưới lên não bị ngắt quãng. Tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng, tạm thời (thiếu máu cục bộ tạm thời) hay vĩnh viễn (đột quỵ) tùy theo theo vùng não bộ nào bị tổn thương.
Khi hút thuốc, các hợp chất trong khói thuốc lá có thể gây hình thành các cục máu đông là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mạch máu não. Bên cạnh đó, khói thuốc còn phá hủy thành tế bào máu, hình thành các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch,… làm tăng nguy cơ đột quỵ não một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Cao huyết áp
Một tác động nguy hiểm khác của khói thuốc đối với cơ thể là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong vòng vài phút hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng, mạch máu co bóp lại buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển oxy. Huyết áp có thể trở về bình thường giữa các lần hút thuốc tuy nhiên nếu hút nhiều lần trong ngày sẽ làm tăng huyết áp trung bình, từ đó dẫn đến các bệnh lý về tim mạch.
Bên cạnh đó, các chất hóa học trong khói thuốc còn kích thích gan sản xuất phóng thích enzyme vào trong máu. Điều này có thể làm giảm nồng độ của thuốc điều trị, từ đó làm giảm hiệu quả trong quá trình điều trị tăng huyết áp.
Lợi ích của việc bỏ thuốc lá
Hút thuốc không chỉ gây hại cho sức khỏe của bản thân mà còn gây ảnh hưởng cho những người quanh mình do đó việc bỏ hút thuốc là điều cần thiết. Các lợi ích của việc bỏ hút thuốc là rất rõ ràng và có thể được quan sát thấy ở các giai đoạn khác nhau:
Lợi ích ngắn hạn
- Trong vòng 20 phút sau khi bỏ hút thuốc, nhịp tim và huyết áp bắt đầu giảm.
- Trong vòng 12 giờ, nồng độ carbon monoxide trong máu trở về bình thường, quá trình vận chuyển oxy được cải thiện.
- Trong vòng 2 tuần đến 3 tháng, chức năng tuần hoàn và phổi bắt đầu cải thiện.
Lợi ích dài hạn
- Trong vòng 1 năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ mắc một trong các bệnh do thuốc lá – bệnh tim mạch giảm một nửa so với người đang hút thuốc.
- Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ trở tương đương so với những người không hút thuốc.
- Trong vòng 10 năm, nguy cơ ung thư phổi giảm còn một nửa và nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác cũng giảm đáng kể so với người đang hút thuốc.
Bỏ hút thuốc chắc chắn là một thách thức, nhưng hiện nay có nhiều nguồn lực, phương pháp và hệ thống để có thể hỗ trợ các cá nhân trong hành trình trở thành người không hút thuốc.
>>>>>Xem thêm: Top 5 cách làm detox chanh đơn giản tại nhà
Hy vọng bài viết trên giúp bạn biết thêm thông tin về các bệnh do thuốc lá gây ra. Hút thuốc không chỉ gây hại cho sức khỏe của bản thân mà còn gây ảnh hưởng cho những người quanh mình do đó vì một cộng đồng không khói thuốc, vì sức khỏe của mỗi người, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể