Tuổi tác gia tăng dễ dẫn đến bệnh loãng xương – nguyên nhân hàng đầu gây xẹp thân đốt sống. Không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội cho người bệnh, tình trạng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ, làm mất dáng đi đứng bình thường của cơ thể. Do đó, xẹp thân đốt sống do loãng xương cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây đau đớn cũng như những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Bạn đang đọc: Xẹp thân đốt sống do loãng xương và những thông tin bạn cần biết
Xẹp đốt sống là tình trạng thân đốt sống bị xẹp và giảm chiều cao hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Chấn thương, loãng xương, u mạch máu thân sống, u huyết quản thân đốt, ung thư di căn cột sống… Trong đó, thường gặp nhất là xẹp thân đốt sống do loãng xương.
Contents
Vì sao loãng xương gây xẹp thân đốt sống?
Loãng xương (hay xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần, tăng phần xốp của xương và giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích. Việc mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ bị gãy và tổn thương dù chỉ với chấn thương nhẹ.
Tuổi càng cao, tình trạng loãng sẽ càng tiến triển nặng hơn. Nguyên nhân là bởi càng lớn tuổi, quá trình chuyển hóa xương sẽ có nhiều biến đổi gây ra những rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn đến giảm mật độ xương.
Khi bị loãng xương, hiện tượng xẹp thân đốt sống có thể hình thành bởi những tác động rất nhỏ người bệnh chủ quan và không để ý như: Vác gánh nặng, ngã dồn theo phương thẳng đứng, trượt chân ngã, ngã từ trên cao, ngã ngồi đập mông… Ngoài ra, những động tác xoắn vặn, nghiêng, cúi, ngửa quá mức thậm chí những cử động xoắn vặn rất nhỏ trong sinh hoạt mỗi ngày đều có thể gây ra tình trạng xẹp thân đốt sống do loãng xương.
Những nguyên nhân cụ thể khiến người bị loãng xương gặp phải bệnh lý xẹp thân đốt sống gồm:
- Đối với người bệnh bị loãng xương nặng, các hoạt động gây tăng áp lực lên cột sống như: Mang vác vật nặng, hắt hơi mạnh là những nguyên nhân chính gây xẹp đốt sống.
- Xẹp thân đốt sống do ung thư di căn thường không liên quan tới chấn thương hoặc nếu có chỉ là những chấn thương nhẹ. Lúc này những tế bào ung thư di căn tới xương sẽ phá hủy cấu trúc xương dẫn tới xẹp thân đốt sống.
- Ở phụ nữ tuổi mãn kinh, tình trạng loãng xương tiến triển nhanh hơn nên nguy cơ bị xẹp thân đốt sống cũng cao hơn.
- Chấn thương trực tiếp vào cột sống.
Bên cạnh đó, những nhóm đối tượng sau cũng có khả năng cao gặp phải tình trạng xẹp thân đốt sống do loãng xương:
- Những người có thể trạng kém như: Suy dinh dưỡng, còi xương, người mắc các bệnh lý nền gây ảnh hưởng tới phát triển của xương, hệ tạo máu.
- Người có tiền sử gia đình bị loãng xương.
- Người ít vận động ngoài trời, ít chơi thể thao.
- Người hay sử dụng các chất kích thích như: Bia, rượu, cà phê, thuốc lá…
Triệu chứng xẹp thân đốt sống do loãng xương
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp ở người bị xẹp thân đốt sống do loãng xương:
- Đau cột sống tại vùng tổn thương.
- Đau dai dẳng, tăng dần.
- Đau lưng tăng dần sau 1 chấn thương nhẹ hay sau bê vật nặng.
- Cơn đau có đỡ khi dùng thuốc giảm đau.
- Hạn chế vận động do đau, gặp các cơn đau liên quan đến vận động khi đi lại, thay đổi tư thế. Có trường hợp người bệnh không thể ngồi, đứng dậy hay đi lại được.
- Ấn cột sống có điểm đau chói, thường liên quan trên hay dưới đốt xẹp 2 đốt sống lân cận.
- Bị giảm chiều cao, vẹo cột sống, gù, trượt đốt sống.
- Nếu có chèn ép thần kinh có thể gặp các triệu chứng như: Yếu chân, đau tê chân, đau theo rễ thần kinh liên sườn, rối loạn cơ tròn…
Chẩn đoán xẹp thân đốt sống do loãng xương
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, những kỹ thuật cận lâm sàng cần được thực hiện để củng cố chẩn đoán, đưa ra tiên lượng và phương pháp điều trị phù hợp gồm:
- Đo mật độ xương (DEXA): Được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và đo loãng xương. Phương pháp này sử dụng tia X để đo hàm lượng canxi cũng như các khoáng chất khác có trong xương, thường được đo ở cột sống, hông hay cổ tay. Mật độ xương càng cao thì xương càng chắc khỏe, nguy cơ loãng xương càng thấp và ngược lại.
- Chụp X quang: Kết quả cho thấy hình ảnh thân đốt sống giảm chiều cao. Qua đó đánh giá mức độ biến dạng cột sống, mức độ thoái hóa cột sống…
- Chụp cắt lớp vi tính: Được chỉ định khi cần đánh giá hình ảnh đốt sống chi tiết như: Mức độ xẹp, lún, mảnh rời…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chỉ định khi cần phân biệt xẹp đốt sống là do loãng xương hay do các nguyên nhân khác (Bệnh lao, bệnh lý ác tính…). Đồng thời MRI rất hữu ích trong việc đánh giá sự chèn ép thần kinh của đốt sống bị tổn thương và có thể giúp bác sĩ xác định được đốt sống xẹp là do loãng xương mới hay xẹp cũ.
Tìm hiểu thêm: Những loại thuốc tiêm khớp phổ biến và lưu ý khi sử dụng
Điều trị xẹp thân đốt sống do loãng xương
Tùy thuộc vào mức độ đốt sống bị xẹp, các tổn thương thần kinh kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa được chỉ định trong trường hợp xẹp thân đốt sống mới không có tổn thương thần kinh kèm theo. Bệnh nhân được nằm nghỉ tại giường, dùng thuốc kết hợp sử dụng áo nẹp cứng cố định cột sống. Nẹp giúp hạn chế cử động vị trí bị xẹp đốt sống và nâng đỡ bệnh nhân.
Các loại thuốc được chỉ định gồm:
- Thuốc giảm đau, thuốc giảm đau chống viêm non-steroid…
- Thuốc giãn cơ;
- Các thuốc điều trị loãng xương như: Các thuốc chứa canxi, vitamin, thuốc ức chế hủy cốt bào (Bisphosphonate), Calcitonin…
Điều trị ngoại khoa
Những trường hợp xẹp thân đốt sống do loãng xương gây đau cột sống mức độ từ trung bình đến nặng kéo dài quá 2 tháng nhưng không đáp ứng điều trị bảo tồn hay xẹp đốt sống có tổn thương thần kinh sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa. Các phương pháp điều trị gồm:
- Bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống qua da dùng cho những trường hợp xẹp thân đốt sống do loãng xương không kèm theo tổn thương thần kinh, mức độ xẹp dưới 75% đã điều trị nội khoa không cải thiện.
- Phẫu thuật cố định cột sống chỉ định cho các trường hợp xẹp đốt sống nặng gây biến dạng cột sống lớn. Đồng thời có thể kết hợp với giải chèn ép thần kinh nếu có tổn thương thần kinh kèm theo.
>>>>>Xem thêm: Khi xỏ khuyên tai kiêng gì để không bị sưng, bị dị ứng?
Phòng ngừa bệnh xẹp đốt sống
Để phòng ngừa, phát hiện kịp thời tình trạng xẹp thân đốt sống do loãng xương, bạn cần lưu ý:
- Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ thời kỳ mãn kinh cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ. Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các khoáng chất, canxi, vitamin D và những vitamin khác.
- Hạn chế thuốc lá, rượu, bia và các chất kích thích.
- Nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm loãng xương và điều trị kịp thời.
- Thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe.
Xẹp thân đốt sống do loãng xương là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây ra những biến chứng nặng nề. Do đó tìm hiểu về bệnh lý này và có phương pháp phòng ngừa từ sớm là việc làm cần thiết. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bị xẹp đốt sống bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể. Việc phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách sẽ hạn chế những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể